Theo dõi trên

Tàn sát rừng “Ông Bà”

21/04/2016, 08:01

BT- Rừng nguyên sinh ở xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc còn rất nhiều cây gỗ quý hàng chục năm tuổi, có những gốc cây gỗ to vài người ôm không hết hiên ngang giữa núi rừng càng tô thêm vẻ đẹp cho những cánh rừng nguyên sinh ở vùng sơn cước này. Thế nhưng sự quản lý lỏng lẻo của những người giữ rừng đã tạo kẽ hở cho “lâm tặc” trong vùng ngang nhiên khai thác những cây gỗ quý, biến cả một vạt rừng trở nên hoang tàn thật đau xót.

                                     
Hiện trường rừng bị tàn phá ở thôn 2, xã La    Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc.

Theo dấu chân “lâm tặc”

Giữa tháng 4/2016, tôi và Thuận, một người dân địa phương vượt suối, leo qua gần chục quả núi với độ dốc rất cao để tiếp cận với “lâm tặc” phá rừng. Là người bản địa nên Thuận thuộc như trong lòng bàn tay những cánh rừng ở đây, Thuận có thể thuộc từng gốc cây gỗ quý, từng đường hẻm ở khu rừng này và biết rất rõ rừng ở đây có những cây gỗ quý gì, hàng ngày “lâm tặc” lấy đi bao nhiêu cây. Từ đường nhựa ĐT 714, thuộc thôn 2, xã La Dạ, tôi và Thuận bắt đầu “nhập rừng” bắt đầu từ con đường mòn chỉ đủ cho một  người đi bộ. Thuận nói, phải đi bộ vượt qua vài quả núi to để đến nơi “lâm tặc” phá rừng mới không bị lộ, nếu đi bằng đường xe máy bọn “lâm tặc” rải khắp dễ bị phát hiện ngay. Vừa đi Thuận vừa kể cho tôi nghe về cánh rừng nguyên sinh này. Trước đây khu rừng rậm rạp có rất nhiều loại gỗ quý và thú rừng thuộc sách đỏ. Thế nhưng vài năm trở lại đây “lâm tặc” ngang nhiên vào rừng đốn hạ những cây gỗ quý hàng chục năm tuổi, có cây cả trăm năm tuổi thật xót lòng. Chúng tàn sát khu rừng không hề thương tiếc. Người dân địa phương thường gọi cánh rừng ở thôn 2, xã La Dạ là rừng “Ông Bà”, vì rừng này thời ông bà họ sinh ra đã có rừng và họ giữ rừng cho đến ngày nay.

Như tính toán của Thuận, tôi và anh hóa trang thành những người đi rừng thực thụ để lần theo dấu vết tàn sát của “lâm tặc”. Nhưng để tìm được nơi “lâm tặc” tàn phá rừng không dễ chút nào, bởi trước mặt chúng tôi là khu rừng cao su bạt ngàn. Chỉ tay về lô cao su mới lớn, Thuận nói, đây là rừng “Ông Bà” có rất nhiều gỗ quý nhưng đã bị tàn phá từ nhiều năm trước thay thế vào đó là rừng cao su. Đi thêm khoảng 2 km, chúng tôi bắt gặp con đường mòn mà theo Thuận thì đây là con đường do “lâm tặc” mở ra để kéo gỗ ra ngoài, có những đoạn vẫn in nguyên vết chân trâu và bánh xe máy cày. Đi thêm một đoạn, chúng tôi bắt gặp 4 thanh niên to khỏe đi xe máy. Thuận nhận định đây là bọn “lâm tặc” đi “thị sát” nên chúng tôi nhanh chóng lẩn vào bụi cây ẩn nấp, sau khi tiếng động cơ của xe máy xa dần, chúng tôi tiếp tục hành trình. Chỉ vào phía sau dãy núi Thuận nói, “lâm tặc” ở đây khai thác gỗ rất lộng hành, chúng tàn phá từ ngoài vào trong lõi rừng không để sót. Đang dở câu chuyện, Thuận hô to như bắt được vàng: “Đây rồi, vết bánh xe máy cày vẫn còn nè, chắc chắn ở khe suối này bọn “lâm tặc” khai thác những cây gỗ sao ở đây rồi”. Phía trước chúng tôi là con đường mòn mới mở cắt ngang đường mòn cũ rộng khoảng 4 m do “lâm tặc” tự mở. Đi vào con đường mòn này khoảng 20m thì gặp ngay suối Đa Lanh, hai bên bờ suối ngổn ngang những cành, bì cây gỗ sao như một công xưởng chế biến gỗ. Hơn 10 gốc cây sao to vài người ôm không hết nằm trơ gốc, có gốc vẫn còn rỉ nhựa.

 Cận cảnh việc tàn phá rừng

Thuận xác định, suối Đa Lanh, thuộc thôn 2, xã La Dạ mùa này khô nước nên “lâm tặc” chọn thời điểm này để tàn phá rừng. Dưới bờ suối chỉ còn cành, bì cây gỗ sao nằm ngổn ngang còn lõi cây đã bị “lâm tặc” tẩu tán ra ngoài. Tại đây, chúng tôi phát hiện có rất nhiều vết bánh xe máy cày còn in nguyên trên mặt đường như mới đây thôi “lâm tặc” đã có mặt ở đây để kéo gỗ ra ngoài. Theo Thuận thì loại xe này không chỉ dùng để kéo gỗ mà còn dùng để tời gỗ từ dưới khe lên. Tại đây chúng tôi ghi nhận có hơn 10 cây gỗ sao cao hàng chục mét, có đường kính khoảng nửa mét bị lâm tặc dùng cưa máy đốn hạ. Thuận nhận định ngay đây là đám “lâm tặc” địa phương cấu kết với các đối tượng “đầu nậu” buôn bán lâm sản trái phép để phá rừng. 

Vào sâu bên trong vài chục mét, chúng tôi phát hiện rất nhiều gốc cây ước vài người ôm, vết cưa vẫn còn mới, gần đó còn có một số khúc gỗ tròn “lâm tặc” vẫn chưa kịp đưa ra ngoài. Số gốc cây sao mà chúng tôi đếm được khoảng 13 gốc cây rất lớn phải vài người ôm mới hết. Theo Thuận ước tính, số lâm sản này “lâm tặc” lấy đi trên 50 m3 gỗ. Thuận cho biết thêm, không chỉ ở bờ suối Đa Lanh bị tàn phá, mà ở khu rừng này còn có một số bãi gỗ giống như thế này nằm ở vạt núi của bãi trước và bãi sau của rừng “Ông Bà”, gần với đường điện cao thế. Thấy tôi ngơ ngác, Thuận chép miệng: “Bọn lâm tặc chủ yếu là người bản địa cấu kết với một số đối tượng bên ngoài hình thành một đường dây khai thác, vận chuyển gỗ ra ngoài rừng và có người ở ngay xã La Dạ thu mua nhưng rất ít khi bị phát hiện. Những đối tượng này còn ngang nhiên bày bán, tích trữ gốc cây ở ngay nhà mình mà không bị kiểm tra xử lý. Cách đây mấy hôm, người dân bức xúc với việc tàn phá rừng nên đã báo cơ quan chức năng, sau đó kiểm lâm địa bàn có bắt được 1 máy cày kéo rơ-mooc vận chuyển khoảng 10 lóng gỗ sao từ khu vực này ra, nhưng so với  lượng gỗ bị tàn phá chẳng đáng là bao. Nhà báo chưa thấy cảnh chúng đưa cây gỗ từ rừng ra đâu, hoàn toàn bằng xe cơ giới và qua rất nhiều lô cao su mà không bị phát hiện”. Lúc chúng tôi ra khỏi rừng, Thuận chỉ tay về hướng những cây sao cao hàng chục mét mà xót lòng, “những cây sao này rồi nay mai cũng sẽ bị cưa hạ thôi”.

Ở khu rừng này còn rất nhiều loại gỗ quý, theo Thuận thì cao điểm nhất vào mùa khô và những ngày giáp Tết Nguyên đán, “lâm tặc” tìm thời cơ để vào rừng khai thác gỗ. Cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, Thuận bật mí, “lâm tặc” ở đây rất manh động, bọn chúng sẵn sàng chống trả bất cứ ai đáng ngờ. Phải chăng vì lý do “lâm tặc” manh động hay vì lý do khác mà chính quyền và cơ quan chức năng sở tại đã làm ngơ?. Chưa biết lời suy đoán đó đúng hay không nhưng có một sự thật là những cánh rừng ở xã La Dạ đang dần bị “xóa sổ”, trong khi đó những “con đường gỗ lậu” vẫn ngang nhiên tỏa ra mọi hướng. 

 Con đường gỗ lậu

Khi “lâm tặc” đưa gỗ ra ngoài bìa rừng, vậy số gỗ này đi về đâu, để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã tiếp cận một số người dân và họ cho biết, ở ngay xã La Dạ có một số đầu nậu chuyên thu gom gỗ của “lâm tặc”. Những đầu nậu này rất ma mãnh như ép giá gỗ rẻ hơn thị trường từ 3 - 4 triệu đồng/m3. Nếu như “lâm tặc” không bán cho những đầu nậu này, chắc chắn sẽ bị “sờ gáy”, chính vì vậy “lâm tặc” phải cắn răng bán gỗ rừng phá được cho một số đầu nậu ở địa phương. Và từ những đầu nậu này, gỗ rừng dễ dàng mang đi nơi khác tiêu thụ với giá rất cao.

Thanh Quang



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàn sát rừng “Ông Bà”