Mùa nghịch

BT - Mùa nghịch bắt đầu từ khi mưa chưa dứt, cỡ cuối tháng 8 âm lịch, và chấm dứt vào khoảng tháng 4 âm lịch của năm sau. Gọi là mùa nghịch bởi ngày trước thanh long chỉ ra hoa khi mùa mưa tới, còn bây giờ người ta chong bóng đèn chiếu sáng vào ban đêm để kích thích thanh long ra hoa, thành ra thanh long có trái quanh năm. Chong đèn từ 16 đến 20 đêm thì rút điện, tưới nước độ 4 - 5 ngày thì búp bắt đầu nhú. Búp thanh long mới nhú trắng nõn, rồi xanh dần và to ra, tròn như nấm rơm. Càng lớn búp càng dài, khi trổ hoa có màu trắng. Hoa thanh long trổ về đêm, ban ngày cụp lại, chừng 4 ngày thì tàn. Nhụy hoa vàng có mùi thơm thoang thoảng. Những đêm thanh long trổ hoa, nhìn ra vườn chỉ thấy nhấp nhô sắc trắng và hương nhè nhẹ theo gió thoảng qua. Những đêm sáng trăng, hoa thanh long như những nàng công chúa đi lạc say đắm cảnh quê yên bình mà xòe váy múa.

Mùa nghịch là mùa mà người dân trồng thanh long trông chờ nhất trong năm. Bởi lẽ thời tiết không mưa sẽ hạn chế bệnh nấm trên trái thanh long. Mùa mưa, dây thanh long tự ra hoa nhưng thu nhập không cao vì mưa nhiều làm nấm trái, giá cả thấp. Chính vì vậy, chong đèn nghịch mùa là nguồn thu nhập chính của họ.

Đã giữa tháng ba rồi mà ban đêm cả xóm vẫn nổi đèn sáng trưng. Thời thanh long được giá, nhà nhà đều đua nhau chong đèn. Chong cầu may thôi. Người làm thanh long vẫn truyền nhau câu nói: “Làm thanh long như đánh số đề, may nhờ, rủi chịu”. Ờ cái nghề này ngẫm kỹ thì y như vậy. Không phải cứ siêng làm, làm giỏi là có ăn. Chong điện bao ngày hồi hộp chờ xem được nhiều hay ít, ra nhiều búp cũng chưa chắc mừng, phải chăm bẵm từng ngày, siêng xịt thuốc, bón phân cho trái to trái đẹp, làm ra trái đẹp rồi khi chín cũng hồi hộp chờ giá. Có khi trái chín to đẹp màu chùm quân phát ham mà giá cả có vài ngàn đồng một ký thì cũng chỉ biết thở dài than thân trách phận.

Có làm thanh long mới thấm hết cái khổ của người nông dân. Nhất là những năm giá cả bấp bênh. Thời được giá, thương lái cắt hết, chỉ dạt chừng ít trái bị nấm hư hay nhỏ quá. Thời mất giá, thanh long xả khắp vườn không thương tiếc, đến lũ bò còn đâm ngán không thèm ăn.

Bình Thuận nổi tiếng là xứ sở thanh long, nhưng mấy năm gần đây dân ồ ạt phá thanh long khá nhiều. Một phần vì thanh long rớt giá liên tục mấy năm, một phần vì cơn sốt giá đất đang lên cao nên nhiều nhà phá để san lấp mặt bằng bán đất nền. Nhìn những trụ thanh long bị nhổ lên vứt thành đống để lại một lỗ trống hoác trên mặt ruộng, lòng chợt buồn. 5 năm, 10 năm hay 20 năm nữa, còn bao nhiêu ruộng thanh long sáng đèn khi đêm về? Nhưng dù thời thế có đổi dời, dù diện tích có bị thu hẹp lại thì xứ sở của nắng và gió vẫn mãi là xứ sở của những trái thanh long ngọt mát mà chẳng xứ nào có thể có. Phải chăng cái nắng, cái gió, cái khô cằn của cát chắt chiu lại mà thành vị ngọt mát thơm thảo, hay do cái tình của người dân sống chết với nghề mà kết thành hương vị riêng ấy?

Giá như có chính sách phát triển riêng cho cây thanh long thì chắc hẳn người nông dân sẽ yên tâm sản xuất hơn, và những mùa nghịch nối nhau sáng rực vùng đất cát để những trái thanh long thơm thảo theo xe đi khắp miền đất nước, vượt biên giới đến nhiều đất nước hơn. Đâu phải chỉ những nơi đất ngập phù sa mới trù phú, và đâu phải ở nơi gió cát là nghèo khổ đói ăn! “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”…

Ngân Kim



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tản văn: