Tại điểm cầu Bình Thuận, có sự tham dự của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Tòng – Phó Giám đốc Sở Y tế và đại diện các sở, ngành liên quan.
Theo đó, năm 2024, hệ thống kiểm nghiệm cả nước lấy hơn 43.000 mẫu thuốc, phát hiện 228 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng và 23 mẫu nghi ngờ là thuốc, dược liệu giả. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả vẫn chưa được xử lý triệt để, còn xảy ra tại một số nơi. Ngành dược Việt Nam hiện có hơn 238 nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO và khoảng 20.000 thuốc có số đăng ký còn hiệu lực. Hành lang pháp lý trong công tác đấu tranh với thuốc giả được quy định rõ trong Luật Dược, Bộ luật Hình sự và các văn bản liên quan.

Với lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đánh giá tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Các mặt hàng bị làm giả chủ yếu là sữa bột, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, gia vị... với phương thức tinh vi, khó phân biệt với hàng thật. Nhiều sản phẩm được tiêu thụ qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, gây khó khăn trong công tác quản lý. Giai đoạn 2020–2024, các cơ quan chức năng xử lý hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm giả. Trong đó, nhiều vụ có dấu hiệu hình sự. Nguyên nhân chủ yếu là do lợi nhuận cao, phương thức làm giả tinh vi, người tiêu dùng thiếu nhận thức và hệ thống giám sát chưa chặt.
Tại Bình Thuận, thời gian qua, ngành y tế tỉnh chưa ghi nhận trường hợp thuốc, sữa hay thực phẩm chức năng giả. Công tác thanh tra chuyên ngành tập trung vào việc kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết. Đồng thời, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em và trang thiết bị y tế.
Tại hội nghị, các chuyên gia, đại diện các ngành, địa phương thảo luận những hạn chế, khó khăn trong thực tiễn. Và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm giả, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người dân.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và dược phẩm cần tiếp tục được đẩy mạnh. Đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc các quy định pháp luật hiện hành, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng thuốc và thực phẩm an toàn.