Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương cùng hệ thống chính trị vào cuộc tham gia phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt tại cuộc họp khẩn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế triển khai nhiều giải pháp phân luồng, giám sát người có biểu hiện mắc bệnh đường hô hấp, người đến hoặc về từ vùng có dịch nhằm kịp thời phát hiện, khống chế dịch bệnh. Trong đó, tăng cường vai trò các trung tâm y tế, trạm y tế là những tuyến y tế cơ sở đầu tiên, chú trọng thực hiện công tác này. Đây chính là “lá chắn” góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và toàn thể nhân dân đang nâng cao tinh thần và trách nhiệm trong phòng dịch Covid-19, thì y tế các cấp, đặc biệt là các cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ như những “lá chắn” phòng dịch cũng đang phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm và chuyên môn nghiệp vụ với nỗ lực khống chế dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn.
Trong cuộc chiến này, ngoài những y, bác sĩ trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân, thì những y, bác sĩ làm công tác dự phòng, các trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường, thị trấn cũng vất vả, hiểm nguy không kém. Bởi, nếu không cẩn thận, nguy cơ nhiễm bệnh luôn tiềm ẩn. Thế nhưng, vượt lên tất cả, họ như “lá chắn” bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tăng cường vai trò của trung tâm y tế, trạm y tế trong việc tổ chức kiểm tra, giám sát việc sàng lọc, phân loại và hướng dẫn cách ly người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Kiểm soát tốt nguy cơ tại cộng đồng, thực hiện hiệu quả việc cách ly nhằm khống chế những diễn biến của dịch Covid-19. Không chỉ ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và nhân dân, nỗ lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng cho thấy vai trò quan trọng của y tế các cấp - những cán bộ được xác định là “lá chắn” phòng dịch.
Nhờ vậy, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, các trung tâm y tế, trạm y tế cũng tăng cường tuyên truyền cho người dân về tình hình dịch, triệu chứng, biểu hiện bệnh, hướng dẫn cách đeo khẩu trang đúng, kiến thức cơ bản thực hiện vệ sinh cá nhân, biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Đưa thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương đến người dân để chủ động tuân thủ sàng lọc, phân luồng khám bệnh khi đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cung cấp số điện thoại đường dây nóng, các hình thức thông tin liên lạc khác (trang web) để người bệnh đăng ký khám bệnh khi có triệu chứng lâm sàng; yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch Covid-19. Trong đó, tập trung tuyên truyền cách phòng, chống, nhận biết các dấu hiệu của bệnh không để người dân hoang mang, lo lắng. Đồng thời, khuyến cáo người dân không đến các địa điểm du lịch đông người tránh nguy cơ nhiễm bệnh; phun hóa chất phòng chống dịch; giám sát chặt chẽ và phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại thôn, xã, hộ gia đình để khoanh vùng, xử lý kịp thời.
Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng rất cần sự vào cuộc của mỗi người dân. Khi được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết, mỗi người dân sẽ là “lá chắn” hữu ích trước nguy cơ dịch bệnh.Có thể khẳng định, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền địa phương, vai trò của đội ngũ Y tế cơ sở chính là lực lượng xung kích nơi tuyến đầu, tạo “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Dụng Văn Duy