Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Minh Ngân, nhấn mạnh: Liên quan đến nội dung nông lâm trường có lịch sử lâu đời nhưng còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Để triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, đạt được mục tiêu đã đề ra, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức cá nhân. Đề án trên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, các tổ chức khác và hộ gia đình, cá nhân sử dụng có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.
Cả nước hiện có 9.192.331 ha đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, các tổ chức khác, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng. Về tình hình sử dụng, Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất: 6.002.942 ha (chiếm 79,92 % tổng diện tích đang quản lý, sử dụng); Nhà nước cho thuê đất: 527.150 ha (chiếm 9,94 % tổng diện tích đang quản lý, sử dụng). Hiện việc sử dụng đúng mục đích 6.047.179 ha (chiếm 82,85 % tổng diện tích đang quản lý, sử dụng); sử dụng không đúng mục đích 94.975 ha (chiếm 0,92 % tổng diện tích đang quản lý, sử dụng); không sử dụng 6.778 ha (chiếm 0,09 % tổng diện tích đang quản lý, sử dụng); giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư chủ yếu là giao khoán): 457.029 ha (chiếm 6,39 % tổng diện tích đang quản lý, sử dụng); bị lấn, bị chiếm, đang có tranh chấp: 158.009 ha (chiếm 2,21 % tổng diện tích đang quản lý, sử dụng).
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên & Môi trường, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông lâm trường, được Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bộ Tài nguyên & Môi trường xem đây là cơ hội để triển khai đồng bộ các giải pháp chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.
Về phía Bình Thuận, qua thực hiện sắp xếp đề án trên, hiện có 3 đơn vị: gồm 2 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp (Bình Thuận và Sông Dinh), Công ty TNHH MTV cao su Bình Thuận đến nay đã được hoàn thành xác định ranh giới, cắm mốc đất đai, hoàn thành việc đo đạc bản đồ địa chính và phê duyệt phương án sử dụng đất; thực hiện giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất có hiệu qủa. Các đơn vị đảm bảo sản xuất kinh doanh những năm qua.