Theo dõi trên

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số

05/08/2020, 09:41

BT - Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đã góp phần nâng cao khả năng, kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt, tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo một cách tốt nhất.

 Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2016 – 2020 (gọi tắt đề án) được triển khai thực hiện tại 50 trường, 282 nhóm, lớp mầm non và 47 trường, 66 điểm trường tiểu học người dân tộc thiểu số ở 7 huyện trên địa bàn tỉnh (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Hàm Tân, Đức Linh). Theo đánh giá của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), sau 5 năm (2016 – 2020) triển khai thực hiện đề án, có 4.892/9.557 trẻ DTTS bậc mầm non đến trường, đạt 51,19%; 100% trẻ DTTS ra lớp đều được tăng cường tiếng Việt. Từ đó, trẻ có khả năng nắm bắt ngôn ngữ tiếng Việt, thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt, mạnh dạn, tự tin, có kiến thức cơ bản để bước vào lớp 1. Còn đối với bậc tiểu học, chất lượng học tập môn tiếng Việt của học sinh cũng được nâng lên rõ rệt. Nhất là năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 có nhiều tiến bộ hơn. Đa số các em có khả năng nói, nghe hiểu để giao tiếp trong sinh hoạt và đáp ứng yêu cầu học tập.

                
      
Trường tiểu học Hàm Cần (Hàm Thuận Nam)    tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Để có được kết quả đó, trong những năm qua ngành giáo dục tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực mang lại hiệu quả cao. Đối với cấp tiểu học, trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT hướng dẫn các trường có học sinh người dân tộc tổ chức tăng cường tiếng Việt trong hè cho các em chuẩn bị vào lớp 1. Trong năm học, thực hiện giãn tiết dạy tiếng Việt (từ 350 tiết lên 500 tiết đối với học sinh lớp 1), tăng cường tích hợp dạy tiếng Việt trong các môn học và các hoạt động giáo dục. Vận dụng các phương pháp dạy học tiếng Việt với tư cách dạy học ngôn ngữ thứ hai. Đồng thời, tăng thời gian luyện nói cho học sinh, áp dụng những phương pháp phù hợp tùy theo các môn học nhưng đều chú trọng đến những yếu tố vừa truyền đạt kiến thức của bài học đồng thời tăng cường tiếng Việt bằng những trò chơi lồng ghép ở tất cả các môn học (chủ yếu là các trò chơi về ngôn ngữ, trò chơi trí tuệ sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt). Cùng với đó, tăng cường học liệu, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, xây dựng môi trường tiếng Việt trong trường học. Như phát động phong trào tự làm đồ dùng đồ chơi tại trường. Tại các lớp học xây dựng góc thư viện, góc địa phương, các góc chơi khác, các khu vực chơi, cây xanh, các đồ chơi ngoài trời… trong sân trường đều có gắn bảng tên bằng tiếng Việt để giúp trẻ tiếp xúc thường xuyên với tiếng Việt.

Bên cạnh đó, đa số các trường bậc mầm non và tiểu học đã thực hiện khá tốt công tác xã hội hóa giáo dục, vận động phụ huynh và một số tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí ăn trưa, xây dựng bếp ăn, mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, xây dựng khu phát triển vận động, xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Đặc biệt, các mô hình như “Thư viện xanh”, “Thư viện di động”, “Thư viện thân thiện” chương trình “Tủ sách nhân ái”.... được quan tâm xây dựng nhằm khuyến khích các em đọc sách, tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt, đồng thời góp phần xây dựng văn hóa đọc cho trẻ. Ngoài ra, phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ… xây dựng câu lạc bộ đọc sách tại thôn bản, hướng dẫn cha mẹ trẻ tạo dựng môi trường tiếng Việt tại nhà và tăng cường giao tiếp bằng tiếng Việt với trẻ; tổ chức cho các trẻ em mẫu giáo 5 tuổi giao lưu với học sinh tiểu học, tham gia ngày hội nói tiếng Việt…

Thời gian tới, Sở GD-ĐT tiếp tục tham mưu đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, phòng học để thu nhận trẻ ở độ tuổi dưới 5 tuổi, đảm bảo học 2 buổi/ngày và bán trú; kinh phí tăng cường tiếng Việt trong hè cho trẻ trước khi vào lớp 1, hỗ trợ trang thiết bị dạy học cho học sinh tiểu học vùng DTTS. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Mỗi nhà giáo và cán bộ giáo dục giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Cùng với đó, bố trí giáo viên là người DTTS tại địa phương hay giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ vùng DTTS, có tâm huyết, nhiệt tình, có kỹ năng  để giúp trẻ để tăng cường tiếng Việt.

Hà Trúc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số