Theo đó với kịch bản 1 là GRDP (tổng sản phẩm nội tỉnh) trong 6 tháng cuối năm nay ước tăng 5,1%, đưa GRDP cả năm 2020 ước tăng 4,5%, thấp hơn mức tăng trưởng đề ra từ đầu năm là 3 điểm % (mục tiêu tăng 7,5%). Còn theo kịch bản 2 thì GRDP trong nửa cuối năm ước tăng 6,04% để nâng GRDP cả năm 2020 có thể tăng 5%, song vẫn thấp hơn mức tăng trưởng đã đề ra từ đầu năm khoảng 2,5 điểm %.
Trong nửa cuối năm 2020, địa phương sẽ đôn đốc các dự án du lịch quy mô đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động kinh doanh. |
Dù vậy, UBND tỉnh nhìn nhận tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2020 theo kịch bản 1 là khả thi, với kịch bản 2 cũng có thể đạt được trong trường hợp phấn đấu hết sức và dựa trên những dự báo lạc quan. Như ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tiếp tục hoạt động, khó khăn được tháo gỡ kịp thời và lĩnh vực du lịch, dịch vụ trong những tháng tới có sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid - 19...
Có thể thấy, tăng trưởng kinh tế theo 2 kịch bản nêu trên đều không thể đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 2020 mà tỉnh đề ra là tăng 7,5%. Nhất là ở nhóm ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản dự báo chỉ tăng 0,9% so mục tiêu đề ra tăng 2,78%, với nhóm ngành dịch vụ khả năng tăng theo 2 kịch bản lần lượt là 0,26% và 0,6% cũng không đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm (tăng 7,05%). Riêng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng với mục tiêu đề ra cho cả năm tăng 12,63% thì khả năng đạt được, nhờ duy trì mức tăng ấn tượng từ ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện (6 tháng đầu năm tăng gần 19%)…
Để đưa kinh tế Bình Thuận trong nửa cuối năm 2020 đạt mức tăng trưởng theo 2 kịch bản đã xây dựng, các sở ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Nhất là với các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Bên cạnh đó còn tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc chủ đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng và thu hút dự án thứ cấp vào các khu - cụm công nghiệp. Triển khai các thủ tục liên quan để bổ sung cụm cảng Vĩnh Tân (Tuy Phong) vào mạng lưới quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics của cả nước, định hướng đến năm 2030. Xây dựng mới các chính sách phù hợp với điều kiện của tỉnh, chuẩn bị điều kiện đón làn sóng dịch chuyển đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp sau đại dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Trong nửa cuối năm nay, các ngành và địa phương cũng tập trung thực hiện một số giải pháp cấp bách để thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, hạn chế tối đa tác động tiêu cực do thời tiết gây ra. Tiếp nữa là theo dõi diễn biến thị trường, kết nối và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa của Bình Thuận với các doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước... Ngoài ra cũng mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên mà nhất là cho vay để duy trì, khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Cùng với đó tháo gỡ vướng mắc, đôn đốc triển khai đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, quan trọng, bức xúc và những dự án lớn tạo đột phá để khai thác tiềm năng, lợi thế của Bình Thuận.
Đặc biệt với ngành du lịch sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh điểm đến Bình Thuận sau dịch Covid - 19 bằng nhiều hình thức, nhằm phát triển thị trường khách du lịch mới. Song trước mắt tập trung cho các chương trình kích cầu du lịch nội địa, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu du khách của các thị trường tiềm năng. Qua thực hiện các giải pháp đồng bộ, tiếp tục xây dựng hình ảnh điểm đến “An toàn - thân thiện - hấp dẫn - chất lượng”, đôn đốc các dự án du lịch có quy mô lớn sớm triển khai hoàn thành, đưa vào hoạt động kinh doanh…
QUỐC TÍN