Theo dõi trên

Tánh Linh có nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh”

03/05/2018, 08:34

BT- Sau khi hệ thống thủy lợi được xây dựng hoàn chỉnh, tổng diện tích sản xuất lúa 2 - 3 vụ của huyện Tánh Linh tăng lên 22.000- 24.000 ha/năm cùng với đó là hành trình xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo.

Từ vùng lúa chất lượng cao

Từ năm 2010, UBND huyện Tánh Linh đã chỉ đạo các ngành chức năng quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao 3.000 ha và tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ 30 - 40% giống lúa xác nhận cho nông dân tham gia trực tiếp chương trình. Đa số giống lúa xác nhận hỗ trợ cho nông dân sản xuất có nguồn gốc từ Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long. Trên vùng lúa chất lượng cao đã duy trì được mối liên kết với các doanh nghiệp đầu tư, tiêu thụ tốt sản phẩm cho nông dân. Đơn cử như xã Đức Phú liên kết Công ty TNHH Đại Nhật Phát sản xuất 100 ha lúa và liên kết Công ty Sơn Hưng canh tác 50 ha lúa; xã Nghị Đức liên kết với Công ty Công Thành sản xuất 52 ha lúa; xã Đồng Kho liên kết doanh nghiệp tư nhân Thái Bình Thịnh sản xuất 50 ha lúa; xã Đức Bình liên kết Công ty TNHH Đại Nhật Phát sản xuất 105 ha lúa; thị trấn Lạc Tánh liên kết Công ty Sơn Hưng sản xuất 50 ha lúa.

Sau khi định hình được 3.000 ha vùng lúa chất lượng cao, huyện tiếp tục xác định giống lúa là yếu tố quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nên đã quy hoạch vùng chuyên sản xuất giống lúa ở các xã để cung cấp nguồn giống lúa tại chỗ cho nông dân. Các ngành chức năng huyện đã liên kết với Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Công ty giống cây trồng Nha Hố, Trung tâm nghiên cứu - sản xuất giống Nha Hố chuyển giao kỹ thuật canh tác, thực hiện các mô hình sản xuất mới như mô hình cánh đồng lớn tại xã Nghị Đức, với diện tích 52 ha lúa nếp, tăng thêm thu nhập 1,5- 2 triệu đồng/ha/vụ; thực hiện mô hình lúa hữu cơ sinh học tại HTX Đức Bình.  

Đến nhãn hiệu  “Gạo Tánh Linh”

Xác định sản xuất hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ, UBND huyện Tánh Linh đã xây dựng nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh”, được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận, làm cơ sở cho việc tiêu thụ lúa gạo sản xuất ra trên địa bàn huyện. Các ngành chức năng huyện đang tiến hành các thủ tục tiếp theo để được đóng nhãn mác trên bao bì khi tiêu thụ lúa gạo và tranh thủ chính sách hỗ trợ giá giống lúa nguyên chủng của tỉnh để các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia chương trình sản xuất giống lúa xác nhận, đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn huyện có 6 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác chuyên sản xuất giống lúa xác nhận, với diện tích 149 ha, đạt sản lượng 750 tấn, được đóng bao bì nhãn hiệu của Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long 25 tấn, còn lại tiêu thụ tại địa phương. Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện mô hình cánh đồng lớn 50 ha lúa tại xã Đức Phú theo hướng sản xuất hữu cơ an toàn thực phẩm, bằng cách liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ chuyển giao quy trình cấy bằng máy, bón phân hữu cơ vi sinh để tạo sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn của Mỹ. Đến năm 2018, tiếp tục triển khai mô hình này tại các xã Đức Bình, Đồng Kho, Lạc Tánh, Nghị Đức, nhằm đưa lại lợi nhuận cao cho nông dân, môi trường đồng ruộng được cải thiện và có sản phẩm mang nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh”. 

Tuấn Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh có nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh”