Theo dõi trên

Tánh Linh: Nâng giá trị vùng lúa chất lượng cao

23/07/2020, 09:34

BT- Trong sự phát triển tất yếu của thị trường, huyện Tánh Linh đang dồn sức đầu tư vùng sản xuất lúa chất lượng cao. Mục đích không gì khác, ngoài việc định hướng cho nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ thay thế các sản phẩm phân bón vô cơ, tạo ra sản phẩm an toàn... 

Nhất nước, nhì phân…

Tánh Linh vừa trải qua một vụ thu hoạch đông xuân thắng lợi, kể cả năng suất, sản lượng và giá cả. Lẽ thường, đây là kết quả nhiều năm qua huyện nhà đạt được, nông dân địa phương đạt năng suất lúa bình quân 76,7 tạ/ha, với giá lúa tươi tại ruộng từ 5.200 - 6.000 đồng/kg không có gì lạ. Nhưng đặc biệt ở chỗ, trong điều kiện toàn tỉnh gặp hạn hán, không sản xuất được, thì Tánh Linh lại góp phần lớn “gánh” chỉ tiêu sản lượng lương thực của toàn tỉnh, với  73.810 tấn, tăng trên 1.000 tấn so với cùng kỳ,

Về Tánh Linh lần này, tôi có thời gian trò chuyện lâu hơn với ông Võ Văn Ty - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện. Tôi hiểu, để có được kết quả nổi bật thời gian qua, công sức và tâm huyết của “người cầm trịch” ngành nông nghiệp huyện cũng không phải ít. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, ông Ty vẫn luôn tâm đắc câu tục ngữ: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.  Ở Tánh Linh, suốt nhiều năm qua, 3 yếu tố “nước”, “giống” và “phân” đã được đầu tư đáng kể và liên tục. Nổi lên là hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu và giao thông nội đồng đã được hoàn thiện khá tốt. Nhất là sau khi đưa vào sử dụng hệ thống thủy lợi đập dâng Tà Pao, vùng thung lũng sông La Ngà đã được phát huy, mở rộng diện tích. Từ đó, đưa vụ đông xuân trở thành vụ sản xuất chính, đem lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Khi cây lúa đạt năng suất rồi, làm thế nào để nâng cao chất lượng lúa, đảm bảo an toàn lại càng được đề cao. Ở Tánh Linh, theo lộ trình xây dựng cánh đồng lớn, hàng năm từ nguồn kinh phí theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP, địa phương đã hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh để cải tạo đồng ruộng. Song song, triển khai áp dụng việc sử dụng giống lúa xác nhận để gieo sạ, thực hiện gieo sạ đồng loạt, tập trung theo lịch thời vụ để thuận lợi cho việc điều tiết nguồn nước. Hơn thế, chính quyền và nông dân đang từng bước, cùng tạo ra sản phẩm đồng bộ về chất lượng. Qua đó, tích cực mời gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn trên diện tích này.

Ông Nguyễn Đình Lâm - Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh phấn khởi: Đến cuối năm 2020, diện tích thực hiện liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn toàn huyện ước đạt 1.150 ha. Trong đó, tập trung tại các xã Đức Phú, Nghị Đức, Bắc Ruộng, Đồng Kho, Lạc Tánh và Gia An, đạt 104,5% kế hoạchhuyện ủy và chiếm 38,3% tổng diện tích vùng lúa chất lượng cao.

Đáng mừng hơn nữa, khi các doanh nghiệp liên kết chủ yếu là Công ty TNHH SX&TM Đại Nhật Phát, HTX Công Thành - Đức Linh, thông qua cầu nối liên kết là các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp đã đầu tư giống, phân bón và thu mua lại sản phẩm cho nông dân theo giá thị trường. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của các hộ nông dân trong vùng tăng từ 5 - 7 triệu đồng/ha/năm so với vùng sản xuất lúa thường.  

Hướng sản xuất hữu cơ

Dù đã hội tụ những lợi thế về nước tưới, khí hậu, nhưng rõ ràng trong xu thế cạnh tranh thị trường, đòi hỏi sản xuất nông nghiệp phải có những bước đột phá. Đối với huyện Tánh Linh, nắm bắt được điểm mấu chốt này, huyện đang từng bước sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, an toàn và chất lượng. Điển hình, thời gian qua, HTX DVNN Đức Bình đã chủ động sản xuất lúa theo hướng hữu cơ diện tích 10 ha. Đồng thời, liên kết với cơ sở Đức Lan gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” để tiêu thụ. Đến nay, HTX đã phát triển diện tích sản xuất bình quân khoảng 40 - 50 ha/năm, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến SRI để giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, các giống lúa sử dụng để sản xuất chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao như Đài thơm 8, ST24, RVT, OM 5451... hiện nay đang được thị trường trong và ngoài huyện tin dùng.

Ngoài ra, sau khi thành lập và củng cố hoạt động, HTX Hưng Thịnh - Lạc Tánh cũng đã xác định phương thức hoạt động của HTX là liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với logo nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” để tiêu thụ. Đơn cử, trong vụ hè thu và vụ mùa năm 2019, HTX đã liên kết với nông dân xã Măng Tố sản xuất lúa ST24 diện tích 25 ha/vụ để đóng bao gắn nhãn nhiệu “Gạo Tánh Linh” và cũng được thị trường trong và ngoài huyện ưa chuộng. Như vậy, nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” đến nay đã được 2 đơn vị trên sử dụng, đóng bao sản phẩm theo hướng hữu cơ, với số lượng 200 tấn đã vươn ra thị trường, cạnh tranh về chất lượng.

Theo UBND huyện Tánh Linh, sau 5 năm thực hiện Chương trình trọng tâm của Huyện ủy (khóa VIII) về nâng cao giá trị vùng lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện, giai đoạn 2015-2020, Tánh Linh đã có nhiều bước tiến nổi bật trong sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế để trở thành vựa lúa phía Nam thành công. Hình thành tập quán sản xuất tập trung, thông qua tổ, nhóm, HTX để sản xuất đồng bộ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và phòng trừ sâu bệnh. Nhất là ứng dụng gieo sạ thưa để quản lý dịch bệnh, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm. Từ đó, tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng để tiêu thụ thông qua hợp đồng liên kết với doanh nghiệp. Ngoài ra, sản xuất lúa trong vùng lúa chất lượng cao góp phần cải thiện môi trường, đất đai, nâng cao sức khỏe của người lao động và cộng đồng.

KiỀu HẰnG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh: Nâng giá trị vùng lúa chất lượng cao