Nỗi bật là chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp tạo nên nhiều sản phẩm OCOP được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ mạnh. Nông nghiệp Tánh Linh đang phát triển đúng hướng và ngày càng phát triển mạnh hơn, được xem là ổn định. Còn ở 2 ngành trọng tâm theo định hướng phát triển của tỉnh là công nghiệp và du lịch hiện đang là hướng mở với nhiều trăn trở và rất nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Với những năm trước, Tánh Linh nằm trong “vùng trũng” giao thông nên du lịch và ngành công nghiệp ít có cơ hội phát triển. Nhưng từ năm 2023, khi cao tốc đưa vào khai thác, 2 điểm từ đường ĐT 720 và quốc lộ 55 ở Tánh Linh nối với cao tốc được xem như là tạo cơ hội để phát triển du lịch và công nghiệp.
Ở mảng du lịch, bên cạnh khu du lịch Thác Bà được cho phép khai thác, trên địa bàn huyện còn nhiều điểm du lịch hấp dẫn 2 năm trở lại đây lượng khách đến khá đông nên có tín hiệu khởi sắc. Huyện đang hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ cá nhân hoàn thiện các thủ thục pháp lý để khu du lịch cộng đồng đi vào hoạt động. Tánh Linh đang có nhiều điểm để phát triển du lịch canh nông (du lịch nông thôn), du lịch hồ thác theo quy hoạch của tỉnh. Lợi thế ở Tánh Linh là có dòng sông La Ngà vắt ngang qua ở giữa huyện, thượng nguồn dòng sông là dòng nước trong xanh với nhiều cảnh quan đẹp. Phía hạ nguồn dòng sông có những cánh đồng lúa, vườn cây ăn trái... Ở Trung tâm hành chính huyện (Lạc Tánh) có Thác Bà, ở giữa trung tâm huyện (xã Huy Khiêm) có thác Tiên, La Ngâu đang hình thành khu du lịch cộng đồng và xa hơn một tí phía cuối huyện (xã Đức Phú) có thác trượt, bên xã Gia An có Biển Lạc... nên tiềm năng về phát triển du lịch núi rừng – hồ - thác – canh nông rất lớn có thể xây dựng tour du lịch biển từ La Gi - Phan Thiết kết nối với Tánh Linh sẽ tạo thêm cơ hội để Tánh Linh bứt phá.
Đối với Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hiện Tánh Linh có 7 cụm công nghiệp, giá trị công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tuy chưa nhiều bằng các huyện khác trong tỉnh nhưng không ngừng tăng lên qua từng năm. Huyện luôn chú trọng công tác mời gọi, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Các cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động ổn định, thu hút đầu tư được một số nhà máy mới sản xuất mủ cao su, xay xát gạo, chế biến hạt điều, sản xuất gạch không nung, nhà máy may mặc, nhà máy nước sạch. Hệ thống chợ nông thôn từng bước được cải tạo, nâng cấp, đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Ở huyện miền núi không có nhiều điều kiện thuận lợi như các huyện kế cận, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Tánh Linh với nhiều nguyên nhân khác nhau nên phát triển còn chậm, quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, trình độ sản xuất, năng suất lao động chưa được cải thiện. Ngành nghề chủ yếu là khai thác đá, cát sỏi xây dựng, gạch các loại, mộc dân dụng, nước đá, xay xát lúa, nhân hạt điều, chế biến bún bánh, sơ chế mủ cao su… Sự phát triển các ngành công nghiệp của huyện chưa ngang tầm với tiềm năng sẵn có của huyện, nhất là lợi thế về đất đai ở khu vực giáp với Hàm Tân – nơi đang hình thành vùng công nghiệp trọng điểm phía nam của tỉnh, có lợi thế đường quốc lộ 55 đi qua, giáp cao tốc và quốc lộ 1A. Tuy nhiên, hầu hết đất ở khu vực này dù được hộ cá nhân và doanh nghiệp trồng cao su hoặc các loại cây lâu năm khác và đã khai thác nhiều năm nay nhưng đều có nguồn gốc đất rừng nên vướng khi chuyển qua làm cụm công nghiệp hoặc kinh doanh sản xuất khác. Vì vậy Tánh Linh rất cần các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ để “rộng cửa” phát triển công nghiệp đúng theo định hướng phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh...
Dù đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển công nghiệp và du lịch là 2 lĩnh vực kinh tế quan trọng theo định hướng phát triển của tỉnh. Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp trong nước đến Tánh Linh tìm hiểu để đầu tư, hy vọng trong những năm Tánh Linh sẽ có sự bứt phá trong phát triển công nghiệp và du lịch.