Tiềm năng phát triển du lịch
Tánh Linh là một huyện miền núi. Kinh tế - xã hội của huyện phát triển còn chậm, đời sống vật chất - tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông còn nhiều hạn chế. Qua rà soát cho thấy, việc đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của huyện. Theo đánh giá của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tánh Linh, những năm gần đây, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch được tập trung; việc xây dựng các kế hoạch để triển khai các chương trình, kế hoạch của tỉnh được thực hiện đầy đủ, sát với yêu cầu thực tế tại địa phương. So với giai đoạn trước (ngành du lịch của huyện đang ở bước hình thành, chỉ có 1 dự án là Khu du lịch sinh thái Thác Bà được đầu tư), giai đoạn 2020 đến nay, các điểm du lịch với quy mô vừa và nhỏ đã và đang được hình thành.
Kết quả thực hiện theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (kêu gọi thêm từ 1 đến 2 dự án du lịch với đa dạng các hình thức, quy mô đầu tư (khu, điểm, hộ gia đình, liên kết hộ gia đình, hợp tác xã...) đến nay cơ bản huyện đã và đang hình thành điểm du lịch Đa Mi Farm. Ngoài ra, mô hình du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại thôn 5, xã Đồng Kho dự kiến hình thành vào đầu năm 2025 theo hướng liên kết hộ gia đình, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác. Các nội dung, hoạt động phục vụ phát triển du lịch (như: an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…) được quan tâm triển khai thực hiện. Việc tập trung triển khai các dự án, tiểu dự án trong các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án về bảo tồn văn hóa; sửa chữa, nâng cấp các thiết chế văn hóa từng bước tạo nguồn lực và điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.
Tuy vậy, vướng mắc đáng kể nhất hiện nay là việc giải quyết nhu cầu kinh doanh du lịch của các hộ dân tại xã La Ngâu cùng những khó khăn tại đây chưa được tháo gỡ. Việc đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp còn nhiều lúng túng, chưa có hướng dẫn thực hiện, trong khi đó loại hình này đang có chiều hướng phát triển nhanh. Đơn cử, tại xã La Ngâu có sông Tà Mỹ và sông Tà Là Ngầu với cảnh quan thiên nhiên đẹp. Bên cạnh đó, xã La Ngâu với đa số là đồng bào K’ho sinh sống, có nét văn hóa độc đáo. Khu vực này thu hút nhiều khách du lịch đến vui chơi, tham quan. Nhận thấy tiềm năng này, vào khoảng thời gian đầu năm, người dân có đất ở đây (cư trú trong và ngoài địa phương) đã tận dụng, cơi nới các chòi sẵn có, xây dựng mới một số công trình phụ, đầu tư kinh doanh các loại hình dịch vụ du lịch. Hiện nay, khu vực này có tổng 7 hộ làm nhà, chòi tạm vì mục đích kinh doanh du lịch (tham quan, chụp ảnh, tắm suối, cắm trại, nghỉ dưỡng...), có 2 trường hợp đăng ký hộ kinh doanh. 7 hộ trên được cấp giấy với mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm. Vì vậy, UBND xã La Ngâu đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính với hành vi sử dụng đất sai mục đích đối với 7 hộ. Qua kiểm tra, 7/7 điểm du lịch đều bố trí áo phao và cho người canh giữ để đảm bảo an toàn cho du lịch, có lắp đặt biển cảnh báo đối với khách có nhu cầu tắm suối, sông, hồ; đồng thời có báo cho Công an xã về số lượng, danh tính, địa chỉ của khách ở lại qua đêm.
Cần sớm tháo gỡ khó khăn
Cùng với thực trạng trên, qua kiểm tra, trong 15 hộ người địa phương xã La Ngâu thì có 6 hộ làm nhà tạm xây bằng gạch diện tích dưới 20 m2, có 9 hộ làm nhà tạm bằng gỗ, tre lợp lá… đang canh tác sản xuất, chăn nuôi từ trước đến nay và kết hợp buôn bán nước giải khát. Vào các dịp lễ, tết thu hút rất đông du khách đến tham quan tại khu vực này (nhất là dịp Tết Nguyên đán thu hút khoảng 10.000 lượt khách); các ngày nghỉ cuối tuần cũng thu hút hàng trăm du khách. Qua đó, đã tạo việc làm, thu nhập cho một bộ phận người lao động, duy trì và phát huy nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương xã La Ngâu. Từ đây cũng tạo việc làm, thu nhập cho gần 100 lao động tại địa phương (với thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng/ người/ngày); góp phần tiêu thụ, quảng bá các sản phẩm mang nông sản, sản phẩm xây dựng sản phẩm OCOP như: heo đen, gà ta, gà đồi, cá suối, măng, nấm liêm xanh, mật ong, đọt mây, các loại rau rừng… kéo theo các cửa hàng ăn uống, tạp hóa tại địa phương phát triển.
Trước yêu cầu đặt ra, Tánh Linh sẽ phối hợp ngành chức năng liên quan, các xã rà soát các điểm có khả năng phát triển du lịch nông thôn, hướng dẫn chủ cơ sở kinh doanh du lịch hoàn thành các thủ tục để đảm bảo hoạt động theo quy định. Tánh Linh cũng khuyến khích các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện đầu tư các loại hình dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vui chơi, văn hóa thể dục thể thao nhằm phục vụ tốt cho việc thu hút hoạt động du lịch trên địa bàn. Rà soát các điểm có khả năng phát triển thành điểm - trung tâm trung chuyển, kết nối các tour để đưa du khách đến các điểm du lịch khác trên địa bàn huyện, cũng như phát triển thành nơi quảng bá, giới thiệu và kinh doanh, nhằm đẩy mạnh phát triển và tiêu thụ các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của huyện Tánh Linh.
Ngoài ra, các ngành chức năng của huyện sẽ rà soát, tập trung thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; dự án “Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn”. Triển khai các giải pháp bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội truyền thống như: Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Hoài Đức - Bắc Ruộng, các lễ hội truyền thống: Lễ hội Kỳ Yên ở đình làng Lạc Tánh, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số…