Chủ trì và dự hội nghị có ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và hơn 100 đại biểu gồm lãnh đạo, trưởng, phó phòng Sở Tư pháp của các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Việt Nam thông qua Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn, và trật tự của Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là Thỏa thuận GCM vào tháng 12/2018. Ngày 20/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM.
Kế hoạch do Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan phối hợp xây dựng triển khai trong 10 năm (2020 – 2030), đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ tương đối tổng thể, toàn diện về vấn đề di cư nổi cộm hiện nay ở Việt Nam. Trong đó hướng đến các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương như người di cư tự do, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo đó, Quyết định 42 cũng giao cho Bộ Tư pháp nhiều phần việc quan trọng, trong đó có việc đăng ký, cấp phát các giấy tờ liên quan đến hộ tịch, quốc tịch cho nhóm đối tượng yếu thế. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã cụ thể hóa ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM giai đoạn 2020 - 2030. Trong đó giao cho Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - đơn vị đầu mối thực hiện kế hoạch.
Hội nghị tập huấn tập trung vào một số vấn đề gồm: Giới thiệu một số nội dung cơ bản của Thỏa thuận GCM; quá trình tham gia và triển khai thực hiện Thỏa thuận GCM của Việt Nam, trong đó tập trung vào những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề về các giấy tờ hộ tịch, quốc tịch cho nhóm đối tượng yếu thế; một số kỹ năng giải quyết những khó khăn vướng mắc về đăng ký hộ tịch nói chung và đăng ký hộ tịch cho nhóm yếu thế nói riêng,...; cấp các giấy tờ hộ tịch cơ bản như đăng ký giấy khai sinh, kết hôn, cấp giấy chứng nhận kết hôn, khai tử...
Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Công Khanh nhấn mạnh, hội nghị tập trung vào tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc đăng ký hộ tịch, cấp phát các giấy tờ quốc tịch cho nhóm dân cư yếu thế,...