Các đồng chí: Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Anh Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì và điều hành hội nghị. Ngoài các đồng chí Tỉnh ủy viên (khóa XIV), tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh cho rằng kết cấu hạ tầng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Ngược lại, kết cấu hạ tầng thiếu và yếu, kém phát triển sẽ gây khó khăn trong luân chuyển các nguồn lực, khó hấp thụ vốn đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế…
Đồng chí Nguyễn Hoài Anh cũng cho biết đây là Nghị quyết đầu tiên được Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức sơ kết trong 6 Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025. Do vậy đề nghị đại biểu dự hội nghị tích cực phát biểu đi thẳng vào vấn đề, nhất là chỉ ra mặt hạn chế, khuyết điểm và những khó khăn, vướng mắc ở địa phương trong quá trình triển khai cũng như đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện vào thời gian tới.
Được biết trong giai đoạn 2021 - 2023, dự kiến thu hút tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 129.800 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 51,92% so với mục tiêu tại Nghị quyết số 08 đề ra (mục tiêu là 250.000 tỷ đồng)… Theo đánh giá của Tỉnh ủy, việc huy động và sử dụng vốn đầu tư công ngày càng hiệu quả, cơ cấu phân bổ vốn đầu tư công phù hợp với định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực. Đồng thời thu hút đầu tư dự án ngoài ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng ngày càng nhiều và đã tập trung đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm, có tính kết nối, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Sau khi xem video clip tóm tắt một số kết quả đạt được sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 08 về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025, hội nghị đã tập trung thảo luận những vấn đề liên quan. Theo đó, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nêu ra những khó khăn và đề xuất giải pháp trong thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng của dự án ngoài ngân sách.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tham luận về giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Cảng hàng không Phan Thiết (hạng mục hàng không dân dụng) và tuyến đường ven biển thuộc địa bàn TP. Phan Thiết. Với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia ý kiến về đầu tư thiết chế văn hóa thể thao cơ sở, thu hút nguồn lực đầu tư các dự án thể thao, cơ sở lưu trú quy mô phục vụ phát triển du lịch Bình Thuận trong thời gian qua… Bên cạnh các sở ngành thì đại diện chính quyền một số địa phương cũng tham gia ý kiến tại hội nghị, như UBND thành phố Phan Thiết nêu vấn đề tập trung thu hút đầu tư ngoài ngân sách và thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án cầu Cà Ty.
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhận xét sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết thì việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có những thành quả tương đối tốt. Thời gian qua, kết cấu hạ tầng của tỉnh cũng có sự thay đổi, diện mạo chuyển biến tích cực và tương đối đồng bộ trên các lĩnh vực: Giao thông vận tải, nông nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ, văn hóa, y tế, giáo dục, chỉnh trang đô thị ở các địa phương… Trong thời gian triển khai thực hiện, dù bị ảnh hưởng dịch Covid - 19 và khó khăn của kinh tế thế giới lẫn trong nước cũng như những biến động khó lường, song kết quả cho thấy địa phương có nhiều cố gắng, nỗ lực để đạt thành tích như trên.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ rõ mặt hạn chế, yếu kém như một số công trình trọng điểm chậm tiến độ, một số công trình đã triển khai thi công từ cuối năm 2020 nhưng còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Việc xây dựng hạ tầng thủy lợi, đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp - cụm công nghiệp còn chậm so tiến độ đề ra. Hay như chất lượng một số công trình chưa cao và nhiều công trình thiết yếu đầu tư trước đây đã xuống cấp nhưng chưa được nâng cấp, duy tu, sửa chữa. Ngoài ra nhiều cơ sở y tế từ tỉnh đến cơ sở đã xuống cấp gây mất an toàn trong công tác khám chữa bệnh cho người dân; đầu tư cho hạ tầng văn hóa xã hội, thể dục thể thao cũng chưa tương xứng với yêu cầu phát triển…
Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng công việc còn lại là khá nhiều, do vậy tỉnh cần phải tập trung đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Cụ thể: Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời triển khai rà soát hoàn thành các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất…
Cùng với đó còn tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, nhất là với dự án Cảng hàng không Phan Thiết (hạng mục dân dụng), đường ĐT.719B, đường Hàm Kiệm - Tiến Thành, Kè sông Cà Ty, Chung cư Cà Ty… cũng như các công trình, dự án đã có chủ trương đầu tư, hoặc phê duyệt dự án đầu tư. Qua đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và phấn đấu năm 2023 đạt tỷ lệ trên 95% cũng như tăng tốc độ giải ngân vốn năm 2024 và những năm tiếp theo. Trong đầu tư phải chú ý hài hòa giữa các lĩnh vực, các địa bàn và quan tâm nguồn vốn đầu tư thêm cho y tế, văn hóa, giáo dục cũng như thực hiện các công trình công cộng phục vụ nhân dân như: Công viên, bãi đậu xe, nhà tang lễ, công trình văn hóa ở khu dân cư…
Tiếp nữa là tập trung quản lý công tác thu ngân sách, khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ xổ số kiến thiết, từ quỹ đất để bố trí đầu tư phát triển, nhất là với công trình, dự án có tính chất tạo ra động lực mới, không gian mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương… Đồng thời xã hội hóa đối với những lĩnh vực mà thành phần tư nhân có thể tham gia và đem lại hiệu quả như hạ tầng thương mại dịch vụ, thiết chế hạ tầng văn hóa, y tế, thể dục thể thao, phát triển siêu thị - trung tâm thương mại lớn ở đô thị hoặc nhà máy xử lý rác tại các địa phương.
Mặt khác cũng quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị, khu tái định cư và nâng cấp hạ tầng giao thông đô thị tại TP. Phan Thiết, thị xã La Gi, các trung tâm huyện lỵ. Chú ý xây dựng các mô hình đô thị thông minh và trong đầu tư cần quan tâm đến địa bàn Phú Quý để phấn đấu đưa nơi đây trở thành huyện đảo xanh - sạch - đẹp, hiện đại. Ngoài ra còn kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với quốc phòng - an ninh nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, là hậu cần nghề cá đánh bắt xa bờ cũng như là hậu cần, hậu cứ vững chắc cho quần đảo Trường Sa và hệ thống nhà giàn DK…
Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm cắt giảm thời gian, chi phí trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư các dự án. Kịp thời giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là hồ sơ thủ tục trên lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định giá đất cụ thể… Phải chú ý phối hợp công việc giữa các cơ quan, ban ngành, còn trong cán bộ với nhau phải đảm bảo tiến độ, đúng thẩm quyền, có trách nhiệm cao và không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các sở, ban, ngành, địa phương…
Từ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 08, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu mỗi đồng chí lãnh đạo, mỗi cán bộ công chức, viên chức nêu cao ý thức, trách nhiệm, tình cảm đối với công việc chung. Qua đó nỗ lực, cố gắng hơn nữa để thực hiện tốt các công việc đề ra, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển trong điều kiện Bình Thuận có nhiều cơ hội trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.