Theo dõi trên

Tập trung nguồn lực hỗ trợ địa phương, ngành nghề thiệt hại nặng do dịch

07/01/2022, 19:59

Chiều 7/1, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Dự tại điểm cầu Bình Thuận có đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các thành viên trong đoàn và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

3.jpeg
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến.

Tại phiên thảo luận trực tuyến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông nêu rõ, từ năm 2020 đến nay đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, việc ban hành Nghị quyết là hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn hiện nay, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Bày tỏ sự nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết, đại biểu Thông cho rằng nguồn lực còn hạn chế trong khi đó những nội dung cần hỗ trợ lại rất nhiều. Chính vì vậy, đại biểu Thông đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tập trung nguồn lực hỗ trợ cho những địa phương, ngành nghề bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt dịch vừa qua; những ngành có tính lan toả và hấp thụ vốn nhanh, tránh đầu tư dàn trải. Minh chứng rõ nhất là ngành du lịch, một trong những ngành bị tổn thất nặng nề nhất, phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có như: Từ năm 2020 đến nay, số lượng khách, doanh thu du lịch sụt giảm mạnh, đặc biệt là khách quốc tế. Nhiều doanh nghiệp du lịch tạm dừng, chấm dứt hoạt động hoặc buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm nhân sự. Phần lớn doanh nghiệp du lịch nợ ngân hàng, không doanh thu, gần như mất khả năng trả nợ các khoản vay, khoản thuế, phí đến hạn. Lao động du lịch hầu hết bị mất việc, không có thu nhập, buộc phải chuyển làm nghề khác để kiếm sống, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi du lịch khôi phục trở lại và một số khó khăn khác. Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm có những quyết sách nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho ngành du lịch.

“Tiếp tục dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về du lịch, trong đó có tỉnh Bình Thuận (Khu du lịch Quốc gia – Mũi Né) nhằm nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch quốc gia. Cụ thể là khẩn trương sửa chữa, nâng cấp tuyến đường QL 55 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận vì hiện tại có một số đoạn xuống cấp nghiêm trọng, mất ATGT; đồng thời, đây cũng là tuyến kết nối du lịch giữa Bình Thuận – Bà Rịa Vũng Tàu và tỉnh Lâm Đồng” – đại biểu Thông nêu rõ.

Bên cạnh đó, cần có chính sách tái cấu trúc thị trường du lịch. Thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, có lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn. Cho phép các địa phương, trong đó có Bình Thuận thí điểm triển khai đón khách du lịch quốc tế theo các mô hình du lịch an toàn. Giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu du lịch sử dụng nhiều diện tích đất không gian cảnh quan để thúc đẩy du lịch phát triển. Cần phân biệt đơn giá thuê đất giữa đất thực tế có cơ sở hạ tầng với đất lưu không, cây xanh, mặt nước, cảnh quan. Theo đại biểu Thông, giá thuê đất đối với diện tích đất này chỉ nên bằng khoảng 30 - 40% đất thực tế hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch.

Đại biểu Thông cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách miễn, giảm phí giao thông đường bộ cho các doanh nghiệp vận tải lữ hành du lịch trong năm 2022. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thông qua chính sách tiền tệ. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ vay, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Hỗ trợ nguồn lực cho địa phương (trong đó có Bình Thuận) trong việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch…

T.HÀ

Bài liên quan
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách
BTO- Sáng 4/1, Quốc hội họp Phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tuyến, kết nối điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tập trung nguồn lực hỗ trợ địa phương, ngành nghề thiệt hại nặng do dịch