Theo dõi trên

“Tàu 67” còn vướng nhiều cái khó

28/12/2018, 15:24

BTO- Lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh, ngư dân đã mạnh dạn sử dụng tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới (composite), đầu tư công nghệ tiên tiến; cơ giới hóa quá trình khai thác, nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch và độ an toàn cho tàu cá khi hoạt động trên biển.

Đa số hoạt động không có lãi

Đó là nhờ động lực  từ  nguồn vốn 67 của Chính phủ để ngư dân tự tin ra khơi bám biển bằng những chiếc tàu công suất lớn. Điều này không thể phủ nhận chính sách phát triển tàu “cá 67” góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản.

Tuy nhiên, trong số 115 tàu cá đang được hỗ trợ vay vốn theo NĐ 67/CP đóng mới và nâng cấp để vươn khơi bám biển, hiện  chỉ có 40 tàu hoạt động có lãi, 33 tàu hòa vốn và 35 tàu đang bị thua lỗ. Được biết, hiện có 4 tàu đang nằm bờ, còn lại hoạt động bình thường.

                
Tàu 67 bám biển khơi xa

 Giám sát của Ban kinh tế và Ngân sách – HĐND tỉnh cho thấy, đa số các tàu đang khai thác hiện nay, nếu không tính các khoản hỗ trợ của nhà nước (hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, hỗ trợ dầu theo QĐ 48 của chính phủ) thì hầu hết đều không có lãi. Đây là một thực tế đáng báo động khi mà các chính sách hiện nay chỉ mang tính chất hỗ trợ và thực hiện trong một khoản thời gian nhất định, không thể kéo dài mãi.

Mặc dù qua hơn 3 năm được sự hỗ trợ của nguồn vốn vay 67, năng lực nghề cá của tỉnh đã được tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Số tàu cá đóng mới tăng thêm 114 chiếc với tổng công suất 79.026 CV. Điều đáng nói, từ khi có nguồn vốn 67 đã hình thành nên đội tàu cá đánh bắt xa bờ, không chỉ gia tăng sản lượng mà còn góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Nhiều bất cập cần phải gỡ

Thế nhưng, quá trình hoạt động, hàng loạt cái khó đối với các tàu 67 hiện nay được các chủ thuyền cho hay chưa thể gỡ được đó là việc lúng túng trong lập phương án sản xuất, lựa chọn thiết kế kỹ thuật, trang thiết bị phù hợp, tính toán giá thành, tổ chức giám sát thi công cũng như việc giải ngân không theo tiến độ thi công, nhiều chính sách 67 còn bất cập. Nhiều chủ tàu cho biết cùng tham gia chương trình, có tàu được miễn lệ phí trước bạ (tàu khai thác), có tàu lại phải đóng lệ phí (tàu dịch vụ khai thác xa bờ).

Việc quy định các tàu cá bám biển đủ 15 ngày tại các khu vực xa bờ được hỗ trợ tiền dầu theo QĐ 48 của Chính phủ vẫn chưa được hỗ trợ. Thiếu hụt nguồn nhân lực thời gian qua cũng khiến một số tàu cá phải nằm bờ, không có tiền chi trả, làm tăng nợ xấu.

Một chủ tàu công suất lớn ở huyện Phú Quý chia sẻ: không chỉ bất cập ngay trong chính sách thực hiện từ nguồn vốn vay đóng tàu 67, mà việc mua bảo hiểm ngư lưới cụ và trang thiết bị khai thác cũng rất bức xúc. Do tài sản đầu tư từ vốn vay nên ngân hàng cho vay bắt buộc chủ tàu phải mua bảo hiểm hạng mục này. Tuy nhiên, theo quy định của bảo hiểm, ngư lưới cụ (kể cả thiết bị khai thác) chỉ được bổi thường khi bị tổn thất 100% theo tàu. Nếu quy định như vậy, theo các ngư dân chỉ khi nào tàu cá bị tổn thất toàn bộ (mất tàu) trong đó có ngư lưới cụ thì mới được bồi thường. Nhưng, thực tế hiện nay tàu vỏ composite sẽ không thể mất toàn bộ vì không bao giờ chìm hoàn toàn, nếu vậy sẽ khó được bồi thường ngư lưới cụ nếu chẳng may bị mất?

Trong khi mỗi năm các chủ tàu phải đóng phí bảo hiểm một khoản rất lớn hàng chục triệu đồng/tàu nhưng không hề có quyền lợi nào. Ngay cả chính sách hỗ trợ bảo hiểm mới nhất tại NĐ 17 của Chính phủ về bảo hiểm thân tàu  nếu được hỗ trợ cũng không bao gồm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu.

Để những con tàu 67 đã hình thành được phát huy hiệu quả, thiết nghĩ các chính sách bất cập liên quan đến vốn vay 67 cần được tháo gỡ gấp, để tạo động lực cho ngư dân tự tin vươn khơi, bám biển và phát huy hết công suất, khai thác sản lượng lớn hải sản thời gian tới.

K.Ngọc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Tàu 67” còn vướng nhiều cái khó