Theo dõi trên

Tàu 67 “mắc cạn”, vì đâu?

30/10/2019, 11:15

Bài 2: Hiệu quả hoạt động tàu 67 ra sao?

Bài 3: Đã đến lúc điều chỉnh chính sách

BT- Những kết quả đạt được từ chính sách theo Nghị định 67 của Chính phủ là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, với những bất cập, khó khăn gặp phải hiện nay của ngư dân, phải chăng, đã đến lúc Chính phủ, bộ, ngành liên quan cùng các địa phương cần khẩn trương điều chỉnh, khắc phục…

                
Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi.

 Nhiều bất cập

“Nếu phía ngân hàng bắt buộc phải trả nợ xấu sớm, chắc chắn ngư dân không thể làm được. Là ngư dân, chúng tôi mong muốn vươn khơi bám biển để giữ lấy nghề ông cha truyền lại, vừa đảm bảo kinh tế gia đình, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Lâm vào nợ xấu chẳng ai muốn, chỉ vì yếu tố khách quan” – Ông Nguyễn Thanh Thao có tàu 67 ở huyện Phú Quý tâm tư. Đó cũng là mong muốn của nhiều ngư dân khác mong các cấp và ngân hàng nên có phương án giãn nợ, cho thêm thời gian để đánh bắt, tìm hướng trả nợ dần.

Hiện có nhiều chủ tàu rất bức xúc vì muốn được tự bỏ vốn để đầu tư chuyển đổi nghề khác hiệu quả hơn nhưng lại không thực hiện được. Theo quy tắc bảo hiểm, ngư lưới cụ (kể cả thiết bị khai thác) chỉ được bồi thường khi bị tổn thất 100% theo tàu. Điều này có nghĩa quá trình hoạt động ngư lưới cụ nếu bị rủi ro mất mát, hư hỏng sẽ không được bồi thường, chỉ khi nào tàu cá bị tổn thất toàn bộ (mất tàu) thì mới được bồi thường. Đặc biệt, các chủ tàu vỏ composite cho rằng tàu của họ sẽ không bao giờ bị mất toàn bộ, ngư lưới cụ của họ sẽ không bao giờ được bồi thường theo quy tắc bảo hiểm. Như vậy, mỗi năm các chủ tàu phải mất một khoản phí bảo hiểm lên đến hàng chục triệu đồng nhưng hoàn toàn không được bất kỳ quyền lợi nào về ngư lưới cụ.

 Nhưng phải chờ…

Đối với các chủ tàu gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ngư trường bất lợi, hiện nay, Sở NN & PTNT đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN & PTNT xem xét cho phép được cơ cấu lại nợ vay nhưng vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67 và không bị chuyển nhóm nợ. Cùng với đó, sớm có quy định, hướng dẫn thực hiện nhanh việc chuyển đổi chủ đầu tư đối với chủ tàu. Ngoài ra, để kéo giảm tình trạng tàu cá hoạt động kém hiệu quả, UBND tỉnh đã có chủ trương cho phép chủ tàu đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 được tự bỏ vốn đầu tư chuyển đổi sang nghề khác có hiệu quả hơn, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì chưa có ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ NN & PTNT.

Liên quan đến bảo hiểm thân tàu, mong muốn của tỉnh và ngư dân sớm được giải quyết thấu đáo, bảo đảm tính nhất quán của chính sách. Để hỗ trợ ngư dân giảm chi phí sản xuất hàng năm, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ nâng mức hỗ trợ bảo hiểm thân tàu đối với tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 lên 90% như mức hỗ trợ quy định ban đầu…

Để tàu 67 hết “mắc cạn”, phải chăng, đã đến lúc Chính phủ, bộ, ngành liên quan và các địa phương cần khẩn trương điều chỉnh, khắc phục những bất cập này… Mục tiêu lớn nhất vẫn là mang lại lợi nhuận cho ngư dân, giúp bà con yên tâm vươn khơi, bám biển và làm giàu từ biển…

    
    Tại phiên   họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông   nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng:  Mặt tích cực của Nghị định   67 đã góp phần tăng 20% lượng tàu đánh bắt xa bờ, giảm 13% lượng tàu   khai thác gần bờ. Các chính sách hỗ trợ bảo hiểm ngư dân đánh bắt khơi   xa thực hiện được nên ngư dân phấn khởi… Tuy nhiên, ông Cường cũng nhìn   nhận còn rất nhiều bất cập, khó khăn và cho biết tháng 2/2018, Chính phủ   đã ban hành Nghị quyết 17 thay thế những nội dung bất hợp lý của Nghị   định 67. Hiện Bộ NN & PTNT đang cùng các địa phương rà soát, cuối năm   nay sẽ tổng kết Nghị định 67 phục vụ cho định hướng chủ trương mới.

K.Hằng - M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu 67 “mắc cạn”, vì đâu?