Ảnh: Đ.Hòa |
Những chuyến khơi xa nặng tàu cá mực…
“A lô, lúc nào em ra đảo, tàu anh đang ở Trường Sa về…Dạ, vậy mai em đi. Ừ, ra anh em mình gặp nhau, chuyến này câu được cá hồng, cá ảo anh để dành cho em”…Cuộc điện thoại giữa tôi với anh Châu Minh Cương ở thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý vừa dứt là tôi tranh thủ xếp hành lý đi Phú Quý. Dạo này từ Phan Thiết đi tàu ra đảo chỉ vài tiếng nên tôi mạnh dạn hơn. Thú thực đã nhiều lần đi Phú Quý và kể cả đi quần đảo Trường Sa nguyên tháng nhưng tôi vẫn ám ảnh chuyện “cho chó ăn chè”. Biển xanh trong vắt nhìn thấu đáy là ấn tượng in sâu vào tâm trí tôi mỗi khi đến đảo. Cù Lao Thu nay quá nhiều thay đổi với nhiều ngôi nhà cao tầng rực màu sơn mới. Cây xanh ven các trục lộ được trồng nhiều hơn tạo cho cho Phú Quý không gian xanh mát mắt. Trước khi ra Phú Quý, tôi nhờ chị Võ Thị Kim Hà – Trưởng phòng tín dụng Agribank Phú Quý chỉ cho vài khách hàng vay tiền đóng mới tàu theo Nghị định 67 làm ăn hiệu quả. Chị Hà bảo hầu hết khách hàng vay đều làm ăn hiệu quả, có lãi. Nổi bật nhất là anh Châu Minh Cương. Anh Cương đón tôi ở cảng bằng xe máy, chưa kịp nói gì nhiều anh đã “chặn đầu”: Về nhà anh có mấy món biển đặc sản Trường Sa anh làm sẵn chờ chú lai rai rồi nói chuyện…
Trong căn nhà, mâm cơm thực ra là mâm đồ nhậu có hơn 5 món cá, ốc, mực, ghẹ, sò đã bày sẵn. Tôi biết anh Cương hồi năm 2015, lúc ấy ra đưa tin “tàu 67” anh “xuống nước”. Anh Cương vay Agribank Phú Quý 4 tỷ đồng để đóng tàu 500 CV, tàu hạ thủy hồi tháng 7/2015, đến nay hoạt động được hơn 20 chuyến ở Nhà giàn (Trường Sa), đạt doanh thu trung bình 1 chuyến 350 triệu đồng đến 450 triệu đồng. Đang ngồi nhâm nhi kể chuyện đi biển thì anh điện thoại anh Nguyễn Hưng ở thôn Mỹ Khê cùng xã Tam Thanh đến chơi. Anh Hưng cũng vay 4,3 tỷ đồng để đóng “tàu 67” 650 CV, mỗi chuyến đi biển ở Trường Sa anh thu lãi từ 100 - 200 triệu đồng. Ở Phú Quý nhiều “tàu 67” làm ăn “được” lắm, kể không hết đâu chú, ví như hộ ông Nguyễn Tiến, hộ anh Nguyễn Văn Sáu cũng vay 3,4 tỷ đồng để đóng “tàu 67” 405 CV và đã thu lãi hàng trăm triệu đồng... Theo chị Hà, đến nay Phú Quý có tổng dư nợ cho vay “tàu 67” là 555 tỷ đồng/80 tàu. Tàu có công suất lớn nhất 1.796 CV và tàu có công suất nhỏ nhất là 405 CV.
Trước khi ra Phú Quý, tôi đã về La Gi, gặp bà con có “tàu 67” tìm hiểu xem hoạt động như thế nào. Ban đầu trong suy nghĩ của tôi chắc sẽ có nhiều khó khăn với bà con nhưng ngược lại, bà con “vui ra mặt” khi hầu hết đều làm ăn hiệu quả. Những tàu đóng mới theo Nghị định 67 ở địa phương đa số hoạt động có hiệu quả (trừ những trường hợp cố ý vi phạm lãnh hải nước ngoài). Tàu cá của anh Võ Hạnh ở khu phố 7, phường Bình Tân từ năm 2016 đến nay đã đi được hơn chục chuyến, mỗi chuyến sau khi chia phần cho “bạn” lãi gần 90 triệu đồng. Tàu nâng cấp từ giã cào bay của chị Lê Thị Thu Vân chuyển qua làm nghề mành chụp mới đi 2 chuyến nhưng lãi hơn trăm triệu đồng. Ở La Gi còn có tàu đóng mới của ông Nguyễn Văn Quáng, Bạch Lòng và tàu cá nâng cấp của ông Trần Thanh Dũng làm ăn khá hiệu quả. Theo anh Nguyễn Văn Thanh – Chuyên viên phụ trách thủy sản Phòng Kinh tế thị xã La Gi, kết quả bước đầu khảo sát về hiệu quả kinh tế của 9 tàu cá đóng mới và nâng cấp theo Nghị định 67 thì đều làm ăn có lãi…
Chuộng tàu gỗ hơn tàu vỏ thép
Đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt danh sách đóng mới 162 tàu, trong đó 113 tàu vỏ gỗ, 28 tàu vỏ thép và 21 tàu composite, và phê duyệt nâng cấp cải hoán 33 tàu. Hiện đã có 95 tàu được ngân hàng cam kết cho vay, chủ tàu đã ký hợp đồng tín dụng với số tiền 732 tỷ đồng. Đã giải ngân 657 tỷ đồng để đóng mới, nâng cấp 95 tàu. Có 84 chiếc tàu đóng mới, 5 chiếc tàu nâng cấp bằng nguồn vốn vay ngân hàng theo Nghị định 67 đã hoàn thành, hạ thủy đi vào hoạt động sản xuất. Trong 84 chiếc tàu đóng mới có 74 tàu vỏ gỗ, 9 tàu vỏ thép, 1 tàu composite; phân theo nghề, có 37 tàu dịch vụ hậu cần, 47 tàu khai thác hải sản (20 tàu nghề câu, 4 tàu nghề vây, 18 tàu mành chụp và 5 tàu lưới rê).
Anh Châu Minh Cương cho biết: Việc đánh bắt hải sản bằng tàu vỏ gỗ là nghề truyền thống của ngư dân Bình Thuận nên đa số ngư dân chuộng tàu vỏ gỗ hơn. Tàu gỗ có nhiều lợi thế như vốn đầu tư thấp hơn tàu vỏ thép từ 10 – 15 tỷ đồng nên nhanh thu hồi vốn. Còn theo anh Nguyễn Hưng, tàu gỗ nếu có “trục trặc” sẽ dễ sửa chữa và có nhiều cơ sở sửa chữa trong tỉnh hơn tàu vỏ thép. Tuy nhiên, cũng theo anh Cương, anh Hưng và anh Võ Hạnh đối với nghề dịch vụ hậu cần nghề cá thì tàu vỏ thép có thế mạnh hơn nên trong số 8 tàu vỏ thép mới đóng vừa qua thì có đến 6 tàu hoạt động trong lĩnh vực hậu cần nghề cá, chỉ có 1 tàu hoạt động nghề câu và 1 tàu nghề mành chụp. Nhưng những tàu vỏ thép của Bình Thuận chỉ tập trung ở đảo Phú Quý, vì những nơi khác ở Bình Thuận còn hạn chế về độ sâu của cảng biển, khó cho tàu vỏ thép ra vào, neo đậu.
Trả lời câu hỏi của tôi tàu vỏ thép ở tỉnh ta có bị sự cố như một số tỉnh miềntrung không? Ông Phạm Văn Trịnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận,phó Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của tỉnh cho biết: Tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh ta chủ yếu là tự đặt hàng thiết kế, chỉ có 1 trường hợp sử dụng mẫu có sẵn do Bộnông nghiệp & PTNT cung cấp. Về cơ sở đóng tàu vỏ thép được ngư dân Bình Thuận lựa chọn có 3 cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh, 1 cơ sở tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và 1 cơ sở tại tỉnh Nam Định. Việc đóng tàu vỏ thép đều được Trung tâm Đăng kiểm nghề cá (Tổng cục Thủy sản) giám sát và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, từ khi đi vào hoạt động đến nay đều đảm bảo chất lượng và tính năng hoạt động, chưa có trường hợp nào xảy ra sự cố nằm bờ như một số tỉnh miền trung thời gian qua.
Trong hơn 2 năm thực hiện Nghị định 67 tại Bình Thuận, các ngành, các cấp chính quyền địa phương đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67. Đặc biệt, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các buổi tọa đàm tuyên truyền, tư vấn; ngành ngân hàng Bình Thuận đã tích cực xây dựng tài liệu tóm tắt điều kiện vay, trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ vay để công khai tại địa điểm cho vay và gửi Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn để phối hợp tuyên truyền đến các đối tượng liên quan, thành lập các tổ công tác tại chi nhánh, phòng giao dịch để trực tiếp xuống các xã, phường, thị trấn hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục vay vốn theo quy định, nhờ đó ngư dân đã thông hiểu được quy trình, hồ sơ, thủ tục vay đóng mới và nâng cấp tàu cá. Với sự đồng lòng nỗ lực của các ngành, các cấp đã đưa Nghị định 67 đến được với ngư dân Bình Thuận, tiến độ giải ngân cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 ở Bình Thuận đang ở tốp đầu toàn quốc…
Ký sự của TrẦn Thi