Theo dõi trên

Tết mẹ ở làng Chăm Mưli

18/01/2020, 15:04

BT - 1 tháng trước đó, thấy gió bấc se se thổi và vụ lúa mùa đã thu hoạch xong, thóc phơi đầy các sân gạch từng nhà, ông Thông Minh Tìm - Trưởng làng Chăm Mưli (xã Tân Thuận, Hàm Thuận Nam) liền nghĩ đến việc họp dân bàn chuyện Tết Chabui. Trong quá khứ, mỗi lần họp như vậy, người trong làng sẽ góp mỗi nhà 1 kg gạo, 1 kg nếp và 1 con gà, nhưng năm nay 293 hộ dân của làng (1.957 khẩu) thống nhất, mỗi hộ đóng 50.000 đồng thay hiện vật. “Tết Chabui làng Mưli tôi tổ chức trong 2 ngày. Ngày đầu tiên (7/1/2020) đại diện dân làng cùng nhau gói, nấu bánh đòn, chuẩn bị một số thức ăn. Ngày thứ 2, vào buổi chiều là lễ cúng mẹ Pô Nư gar, các vị thần… Lễ cúng kéo dài trong khoảng 2 giờ, sau đó dân làng hát vãi chài (một điệu hát ca ngợi lao động sản xuất, gồm có bên nam, bên nữ. Có một số nhà nghiên cứu nhận định hát vãi chài của người Chăm rất gần các điệu hò sông, biển của người Thanh Hóa).

Thầy cò ke đang kéo đàn vừa khấn mời các vị thần về dự lễ cúng nhân Tết Chabui của đồng bào Chăm làng Mưli.

Người Chăm coi Chabui tổ chức tại sân đình là tiền đề để các hộ dân tùy theo điều kiện của mình, ăn Tết Chabui tại nhà, không nhất thiết cùng một ngày như Tết Nguyên đán. Có thể nói, Tết Chabui kéo rất dài vì nhiều gia đình chờ đến cận Tết Nguyên đán, lúc con cái về đông đủ mới tổ chức tết, và chỉ tổ chức trong 1 ngày”- Trưởng làng Thông Minh Tìm, nói. Rồi để tôi “mục sở thị”, ông mời tôi đến sân đình làng Chăm, nơi tổ chức Tết Chabui năm nay. Đúng 14 giờ, các mâm cổ được bày ra theo nghi thức: bên tả, bên hữu. Thầy cúng là các chức sắc tín ngưỡng người Chăm. Đó là thầy cò ke (Kadhar - kéo đàn Kanhi, một kiểu đàn gần giống đàn nhị), bà bóng (Mukpa Jau), phục vụ các lễ nghi tín ngưỡng Chăm. Vì Tết Chabui là tết tạ ơn mẹ xứ sở, thần đất làm cho mùa màng tươi tốt, sản xuất phát triển nên bước vào buổi lễ, thầy cò ke vừa kéo đàn Kanhi vừa đọc các lời văn tế lễ. Các lời văn tế lễ có nội dung ngợi ca thần linh, thể hiện sự tin phục những vị thần, đấng siêu nhiên có công khai mở trời đất, dạy dân dệt vải, nuôi tằm, lao động sản xuất, khai mương, đắp đập, làm thủy lợi… Sau phần ca ngợi là phần thỉnh mời các thần về hưởng các phẩm vật dâng cúng... Lúc này nhiệm vụ của bà bóng là dâng rượu… Trong khi đó, những người khác phục vụ lễ thì ngồi, đứng quanh nhà lễ, chờ hát vãi chài…

    
  

Về tết Chăm

  

Trong một năm,   người Chăm có rất nhiều lễ hội. Trong đó, Tết Katê diễn ra vào đầu tháng   7 (lịch Chăm) nhằm tưởng nhớ các vị thần, tổ tiên, anh hùng dân tộc, các   vị vua có công trong việc đào kênh đắp đập, dẫn thủy nhập điền… giúp cho   nông nghiệp của người Chăm phát triển, bên cạnh một nền ngoại thương khá   mạnh trong nhiều thế kỷ trước. Tết thứ hai là Chambur (đọc là Chabui) tổ   chức vào ngày rằm tháng 9 lịch Chăm (năm nay rơi vào ngày8/1/2020). Người Chăm   coi Tết Katê thuộc về dòng họ người cha, tượng trưng cho khí dương, nên   cử hành vào buổi sớm, còn Chabui là tết tạ ơn thần Pô Nư gar (mẹ xứ sở),   các hoàng hậu, công chúa Chăm, thuộc dòng họ mẹ, tượng trưng cho khí âm   nên được cử hành vào buổi chiều tối.

  

Trưởng làng Thông Minh Tìm nói thêm: “Những năm gần đây, 99% số hộ trong làng Chăm đều trồng thanh long nên thu nhập tương đối khá hơn trước. Cái ăn, cái mặc không còn lo nên người Chăm rất chú ý đến nhu cầu tinh thần, rộng ra là tín ngưỡng. Địa phương Tân Thuận cũng hết lòng hỗ trợ đồng bào nên các lễ hội dân gian năm nào cũng được tổ chức. Ngay như Tết Chabui này, địa phương cũng cử đại diện đến thăm và tặng quà. Tình đoàn kết của các dân tộc trong một đất nước, trong một địa phương ngày càng gắn bó”.

Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết mẹ ở làng Chăm Mưli