Theo dõi trên

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022: Đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho nhân dân

02/12/2021, 07:57

BT- Thời điểm này hàng năm, Sở Công Thương kịp thời tham mưu UBND tỉnh xem xét ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường vào dịp tết cổ truyền. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường và đảm bảo hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Các doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa thiết yếu cần đảm bảo số lượng, chất lượng với giá cả ổn định. (Ảnh minh họa)

Với Tết Nhâm Dần 2022, địa phương cũng hướng đến bảo đảm lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu và không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến. Kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán sắp tới còn gắn với hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid - 19. Đồng thời hàng hóa dự trữ bình ổn thị trường phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán bình ổn (thấp hơn từ 5 - 10% so giá thị trường tại cùng thời điểm của sản phẩm có cùng quy cách, chất lượng).

Năm nay, kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần dự kiến được triển khai trong 4 tháng, từ đầu tháng 12/2021 đến hết tháng 3/2022. Chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, rau củ quả có tính thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn. Bao gồm: Gạo, nếp, thịt các loại, trứng các loại, đường, sữa, dầu ăn, mì tôm, rau củ quả các loại, muối I - ốt... theo kế hoạch của doanh nghiệp được sở chức năng xét duyệt.

Triển khai kế hoạch, Sở Công Thương xúc tiến phối hợp sở ngành liên quan lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia theo tiêu chí công khai, minh bạch, bình đẳng với mọi thành phần kinh tế. Theo đó ưu tiên doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa dự trữ bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh và có năng lực tài chính, uy tín, thương hiệu. Doanh nghiệp có phương án tổ chức kinh doanh, gắn kết đầu tư, sản xuất, phân phối, tiêu thụ, bảo đảm nguồn cung hàng hóa với giá cả ổn định, vừa tạo nguồn hàng vừa phát triển mạng lưới bán lẻ đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ bình ổn thị trường. Bên cạnh đó là các doanh nghiệp quy mô kinh doanh lớn, có hệ thống mạng lưới phân phối, đảm bảo điều kiện về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và khả năng định hướng, dẫn dắt thị trường. Hay như doanh nghiệp có kế hoạch hoặc cam kết phát triển hệ thống phân phối tới các khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo…

Dự ước mức dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn giá theo kế hoạch của các đơn vị dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 khoảng hơn 350 tỷ đồng. Riêng với doanh nghiệp được lựa chọn tham gia cần xây dựng kế hoạch tổ chức nguồn hàng, dự trữ hàng hóa đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng với giá cả ổn định cũng như tổ chức tốt hệ thống phân phối, bán hàng bình ổn. Trong đó quan tâm tăng số lượng mặt hàng thịt (gia súc, gia cầm), trứng gia cầm so với các nhóm thực phẩm khác, nhất là với dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.

Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022: Đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho nhân dân