Theo dõi trên

Tết trồng cây - khởi đầu cho hành động bảo vệ rừng

22/02/2021, 09:19

BT- Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ đã trở thành phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khởi đầu cho các hành động bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng hàng năm của các ngành, các cấp và nhân dân, góp phần quan trọng, thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển bền vững đất nước.

Góp sức cùng cả nước trồng mới 1 tỷ cây xanh

Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản nhân dân, đang đặt ra yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng quyết liệt hơn, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài. Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua, khắc phục tồn tại, bất cập, đồng thời chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngay dịp Tết Tân Sửu năm 2021, cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025.

Ảnh minh họa

Cùng chung tay với cả nước, tỉnh Bình Thuận đã triển khai kế hoạch tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các phòng chuyên môn nghiệp vụ của sở, các đơn vị trực thuộc sở tăng cường tổ chức sinh hoạt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Đồng thời, tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo tồn các nguồn gen thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, không khai thác, vận chuyển, mua, bán và sử dụng các loài thực vật rừng, đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc từ rừng tự nhiên để trưng bày làm cây cảnh. Tích cực tham gia trồng cây, trồng và bảo vệ rừng, phục vụ cho lợi ích cộng đồng và toàn xã hội. Qua đó nâng cao nhận thức toàn thể công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng của rừng và công tác trồng cây, trồng rừng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan đô thị, góp phần giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức, thực hiện “Tết trồng cây” vào các dịp như: Thời gian vào đầu xuân năm mới, dịp kỷ niệm sinh nhật Bác hoặc các ngày lễ lớn trong năm 2021 phù hợp với mùa vụ trồng rừng, xem đây là hành động thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Còn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Tỉnh đoàn và địa phương liên quan nghiên cứu xây dựng kế hoạch để trình UBND tỉnh về địa điểm tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây” cấp tỉnh năm 2021. Ngoài ra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai tốt công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng và tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện “Tết trồng cây” gắn với công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại địa phương. Xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, chỉ đạo chuẩn bị cây giống đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, ưu tiên sản xuất các giống cây bản địa, các loài cây có năng suất, chất lượng cao, có tính chống chịu tốt để phục vụ trồng rừng đạt hiệu quả.

Năm 2020, độ che phủ đạt 43%

Rừng là nguồn tài nguyên quý giá của đất nước ta, rừng không những là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội mà còn giữ chức năng sinh thái cực kỳ quan trọng, tham gia vào quá trình điều hòa khí hậu, đảm bảo chu chuyển oxy và các nguyên tố cơ bản khác trên hành tinh, duy trì tính ổn định và độ màu mỡ của đất, hạn chế lũ lụt, hạn hán, ngăn chặn xói mòn đất, làm giảm nhẹ sức tàn phá khốc liệt của các thiên tai, bảo tồn nguồn nước và làm giảm mức ô nhiễm không khí. Vấn đề quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng hiện nay được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chính vì thế, trong những năm gần đây tỉnh đã ban hành và áp dụng nhiều chính sách nhằm bảo vệ và phát triển rừng như: Giao đất lâm nghiệp khoán quản lý bảo vệ rừng quy chế quản lý rừng phòng hộ, quy chế hưởng lợi… Đặc biệt là nhiều vùng đồi cát hoang hóa, sa mạc của tỉnh đã được phủ xanh bằng những cánh rừng. Tỉnh Bình Thuận có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp khoảng 365.689,2 ha, trong đó có diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng. Mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 là nâng độ che phủ rừng đạt 43%, nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, biến đổi khí hậu… Tăng cường công tác trồng rừng, tính đến năm 2020 trồng rừng mới trên đất chưa có rừng đạt 6.327 ha, trồng lại rừng sau khai thác rừng trồng, trồng rừng bổ sung và trồng lại rừng thay thế diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng đạt 12.011 ha. Đạt được mục tiêu đó, tỉnh đã quản lý chặt chẽ việc khai thác rừng trồng, yêu cầu tiến hành trồng lại rừng sau khai thác nhằm đảm bảo diện tích rừng trồng của tỉnh và chống lấn chiếm đất lâm nghiệp. Giảm căn bản tình trạng vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, từ đó đã hạn chế tình trạng phá rừng, sang nhượng đất lâm nghiệp trái pháp luật và thiệt hại do cháy rừng gây ra…

Thanh Quang



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết trồng cây - khởi đầu cho hành động bảo vệ rừng