Theo dõi trên

Tết truyền thống gia đình

19/01/2017, 16:54

 BT- Tháng chạp về, những cơn gió bấc se lạnh. Cái bận rộn, tất tả của những ngày cuối năm, của tháng chạp năm hết tết đến, cả nhà bận rộn dọn dẹp nhà cửa. Bao nhiêu việc phải làm trong những ngày giáp tết, nhưng tôi thích tự mình lên thực đơn, chọn nguyên liệu để làm những món ăn đặc trưng trong ngày tết để tiếp khách; thích những công việc lặt vặt mang tính truyền thống. Tất cả muốn một cái tết trọn vẹn và tạo những kỷ niệm đẹp về tết cho gia đình như má tôi.

                
Mứt dừa

Bao nhiêu cái tết trôi qua, tôi vẫn tự tay mình giặt giũ, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa và tỉ mỉ chuẩn bị những món quà đi biếu họ hàng, nội ngoại; những bộ quần áo mới cho người thân; tính toán mua sắm những đồ vật mới, mấy cái chén, đĩa cũ bị sờn mẻ phải sắm lại; chiếc khăn trải bàn, lọ hoa mua thêm để trang trí trong nhà. Ngày tiễn ông Táo về trời, má tôi lại nhắc món củ kiệu ngâm tro bếp. Má nói, kiệu ngâm tro vài ngày sẽ làm cho mùi kiệu bớt nồng mà củ kiệu trong, giòn giữ được lâu. Vậy là hai má con lại tỉ mẫn ngồi cắt từng củ kiệu để phơi và ngâm cho kịp khi khách đến nhà có ly rượu, đĩa củ kiệu mới trọn vị cái tết. Trong số công việc phải làm, nồi bánh tét tôi luôn xem trọng, do nhà tự gói, buộc chắc tay, không bị nhão, luộc bằng củi nên bánh ngon và có màu xanh đẹp. Nếp, đậu, thịt mỡ để gói bánh toàn nguyên liệu dân dã của người dân quê nuôi trồng, được xem món bánh truyền thống truyền lại từ nhiều đời là để dâng cúng tổ tiên, dành biếu người thân trong dịp tết đến, xuân về. Đặc biệt, tết đến bàn thờ phải tinh tươm, phải đẹp, nên món bánh in, cốm hộc làm bằng nếp, đường, gừng là thứ bánh đặc trưng của người dân Phan Thiết – món chân quê, mộc mạc, truyền thống của gia đình không thể thiếu trên bàn thờ ngày tết. Để có không khí tết, món măng khô hầm thịt cuốn bánh tráng; thịt kho hột vịt nước dừa; khổ qua nhồi thịt cũng là món ăn chính vào ngày tết, tôi phải chuẩn bị từ 26 - 27 tháng chạp. Món mứt gừng, mứt dừa do má chỉ bày tôi vẫn giữ, năm nào cũng làm. Mặc dù làm không đẹp, nhưng sạch sẽ, an toàn và ngon ở chỗ đường dính cục, ngọt ngọt, cay cay.

Tết này, má dặn tôi ráng tìm cho má cây bông trường sanh còn nguyên rễ, đừng mua bông cúc, lây-ơn gì nữa. Má già rồi, còn sức khỏe, má muốn cho con cháu biết truyền thống tết của gia đình là thứ giữ hạnh phúc bền vững nhất. Và đến tận bây giờ, nhà tôi vẫn giữ bữa cơm đoàn tụ chiều ba mươi tết, kể cả những người khuất mặt cũng được mời về sum vầy bên con cháu. Chỉ cần ngửi mùi hương trầm phảng phất trong gió, mọi người trong nhà sẽ thấy lòng bình yên.

Với tôi, những điều này được cảm nhận từ má. Và cũng là cách riêng của tôi, để mang đến gia đình một cái tết trọn vẹn, sự giáo dục cho con cháu về cái tết cổ truyền dân tộc.

M. Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật

Phê duyệt hơn 9,6 tỷ đồng sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu tỉnh
BTO-Chiều 1/11, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay, Sở kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (cơ sở 2, đường Hải Thượng Lãn Ông). Dự án này sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết truyền thống gia đình