Đại tá Phạm Thật – Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác PCTN. |
Năm 2018, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tổ chức hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát… nhờ vậy kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực nhưng quá trình triển khai vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm.Trong năm, toàn tỉnh đã thụ lý, giải quyết 20 vụ/34 người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, thiệt hại trên 15 tỷ đồng, trong đó 13 vụ/22 người tham nhũng. Đến nay, đã xử lý xong 11 vụ/20 người, riêng tham nhũng đã xử lý xong 7 vụ/15 người. Đối với 7 vụ/12 người có hành vi tiêu cực liên quan đến kinh tế - chức vụ, đã xử lý xong 4 vụ/10 người.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc xử lý các vụ vi phạm được thực hiện nghiêm túc; công tác điều tra, truy tố, xét xử chặt chẽ, đúng quy định và không để xảy ra oan sai. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại hạn chế cần tập trung khắc phục. Được biết, năm qua, toàn tỉnh triển khai 786 cuộc tự kiểm tra, kết quả phát hiện 1 vụ tham nhũng, nhưng khi xử lý đơn thư về tham nhũng đã kết luận có 4 đơn tố cáo đúng, qua đó cho thấy hiệu quả công tác tự kiểm tra nội bộ còn nhiều bất cập.
Thanh tra tỉnh cho biết, qua rà soát cho thấy, chất lượng một số cuộc thanh tra kinh tế - xã hội có nơi chưa cao, việc kiến nghị xử lý có vụ chưa tương xứng với kết luận sai phạm đã chỉ ra, thậm chí có trường hợp sau khi thanh tra dù phát hiện sai phạm nhưng không kiến nghị xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm. Ông Tiêu Hồng Phúc – Bí thư Huyện ủy Bắc Bình cũng nhìn nhận, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng Bắc Bình vẫn chưa phát huy được vai trò của người dân trong PCTN; chất lượng một số cuộc thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ chưa cao; việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng có nơi còn hình thức, chưa sâu, chưa quyết tâm cao.
Tại hội nghị tổng kết công tác PCTN mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, hạn chế của PCTN do cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu một số đơn vị, địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; tiến độ xử lý một số vụ việc vì thế chậm so với yêu cầu của tỉnh. Đại tá Phạm Thật – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, tình hình tham nhũng vẫn còn phức tạp, tham nhũng “vặt” khó phát hiện để xử lý. Trong khi đó công tác quản lý nhà nước còn nhiều sơ hở, nhất là trên lĩnh vực bảo vệ rừng, quản lý sử dụng đất đai, tài sản công… nên một số cán bộ lợi dụng điều này để thực hiện các hành vi phạm pháp. Lực lượng giám định viên của tỉnh đông, nhưng việc trưng cầu giám định chậm, có trường hợp né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không phối hợp với cơ quan điều tra.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, muốn thực hiện có hiệu quả công tác PCTN và khắc phục những hạn chế trên, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động đề ra các biện pháp phòng ngừa; yêu cầu cơ quan chức năng báo cáo từng vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm để kịp thời chỉ đạo xử lý. Đồng thời siết chặt kỷ luật, thực hiện tốt quy chế dân chủ; cấp ủy, chính quyền và các cơ quan dân cử phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Tập trung giải quyết tốt các loại đơn thư; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực, kể cả tham nhũng “vặt”; tuyệt đối giữ bí mật và bảo vệ người tố cáo theo quy định…
LÊ PHÚC