Theo dõi trên

Thẩm tra Dự án hồ chứa nước Ka Pet cho thấy Dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao và bền vững

26/10/2019, 10:34

BTO- Tại phiên họp toàn thể hội trường chiều 24/10, theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, qua thẩm tra, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pet và đánh giá dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao và bền vững.

Cần thiết đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pet

Trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pet với dung tích chứa 51,21 triệu m3 nước tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận như ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước, Tờ trình của Chính phủ.

Đồng thời nhấn mạnh, công trình sẽ có tính quyết định trong việc cấp nước không chỉ cho huyện Hàm Thuận Nam mà còn đối với việc cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho Tp. Phan Thiết và vùng nam Bình Thuận để phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu rất phức tạp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chỉ rõ, việc đầu tư Hồ Ka Pet sẽ cấp nước tưới cho 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và Tp. Phan Thiết; cũng như góp phần giảm lũ và điều tiết nước cho vùng hạ du gồm huyện Hàm Thuận Nam và Tp. Phan Thiết; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du nhất là đoạn qua Tp. Phan Thiết góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của Tỉnh.

Bảo đảm phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch

Thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho biết, Dự án Hồ chứa nước Ka Pet phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2523/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó là phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành, gồm: Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam Bộ giai đoạn đến 2030 và định hướng đến 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2011-2020; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ cuối 2016-2020 của tỉnh Bình Thuận được Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch phát triển lâm nghiệp.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc xây dựng hồ chứa nước lớn là công trình sử dụng lâu dài (tuổi thọ là hàng trăm năm), trên địa bàn thường xuyên chịu khô hạn như huyện Hàm Thuận Nam với các mục tiêu như Tờ trình của Chính phủ sẽ tạo bước chuyển biến quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo việc làm mới, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; hạn chế tình trạng di dân tự do, tạo ổn định xã hội, đảm bảo an ninh trật tự khu vực này; cải thiện cảnh quan môi trường sinh thái khu vực lân cận, đồng thời phát huy tiềm năng du lịch, dịch vụ của Tỉnh. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá Dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao và bền vững.

Kiến nghị áp dụng cơ chế đặc biệt trong thực hiện Dự án

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng cho biết, Dự án công trình Hồ Ka Pet đáp ứng tiêu chí công trình quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Dự án có quá trình chuẩn bị công phu từ nhiều năm, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Hồ sơ Dự án được chuẩn bị đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đầu tư,  đầu tư công và đất đai. Vì vậy, Ủy ban nhất trí cho rằng, dự án Luật đủ điều kiện cần thiết trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 này.

Bên cạnh đó, Dự án có nguồn vốn đầu tư thuộc nhóm B (mức đầu tư thấp), chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước; hạng mục xây dựng công trình không phức tạp (công trình cấp II), phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của Tỉnh. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt trong tổ chức thực hiện Dự án để giảm bớt một số thủ tục hành chính. Cụ thể: trong Nghị quyết của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án, Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lập, thẩm định, quyết định đầu tư Dự án như đề xuất tại Tờ trình số 477/TTr-CP của Chính phủ để thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện Dự án.   

Ngay sau khi nghe trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp toàn thể tại hội trường, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về nội dung này.

PV(T/h)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thẩm tra Dự án hồ chứa nước Ka Pet cho thấy Dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao và bền vững