Theo dõi trên

Thận trọng hơn khi “giao dịch” trên mạng xã hội

17/08/2023, 05:37

Như chúng ta đã biết, thời gian gần đây tội phạm lừa đảo qua không gian mạng xảy ra ở rất nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Bình Thuận.

Các đối tượng lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo qua không gian mạng, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao. Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được các đối tượng lừa đảo thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi, trong đó nhắm vào nhiều nhóm đối tượng như: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, đối tượng công nhân, nhân viên văn phòng.

gian-lan-the-1.jpg
Ảnh minh họa.

Tại một số địa phương, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa bán hàng qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc của nạn nhân. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, việc mua bán hàng qua mạng xã hội đã ngày càng trở nên phổ biến. Bên cạnh những ưu điểm nổi bật là sự tiện lợi, chủng loại hàng hóa phong phú, tiết kiệm thời gian mua sắm, việc mua hàng qua mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với khách hàng, nhất là việc có thể bị người bán chiếm đoạt tiền đặt cọc, hoặc khó kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa đặt mua. Tại tỉnh Bình Thuận hiện đã xuất hiện thủ đoạn mới để chiếm đoạt tiền của người dân, đó là hình thức “Tham gia đặt đơn hàng để hưởng hoa hồng”. Theo đó đối tượng dùng mạng xã hội hướng dẫn những người cả tin truy cập vào đường link để tạo lập tài khoản, nạp tiền và lựa chọn thực hiện nhiệm vụ đặt đủ số đơn hàng theo mức nhất định trong ngày thì được nhận lại tiền đã đặt đơn hàng và tiền hoa hồng. Tuy nhiên, số tiền để đặt đơn hàng trên hệ thống trên website luôn tăng dần trong khi đó người bị hại không thể hoàn thành được nhiệm vụ đặt đơn hàng của mình theo yêu cầu nên số tiền mà người bị hại bỏ ra lúc đầu sẽ bị mất. Điều đáng lo ngại là hoạt động của tội phạm lợi dụng không gian mạng có xu hướng gia tăng, phức tạp, khó kiểm soát bởi loại tội phạm này thường sử dụng các loại phương tiện công nghệ cao, có tổ chức. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân cũng như những hạn chế trong việc tiếp xúc với thông tin thời sự và công nghệ mới để lừa đảo. Đặc biệt là tội phạm thay đổi phương thức và đối tượng hoạt động từ khu vực thành thị về các vùng nông thôn, miền núi.

Theo cảnh báo của lực lượng công an, hiện nay tội phạm lừa đảo qua không gian mạng còn có nhiều thủ đoạn khác như: đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online, công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện thông báo có liên quan đến các vụ án đang điều tra, mua bán ma túy, rửa tiền gửi lệnh bắt giữ hay tài liệu liên quan khác qua mạng xã hội để đe dọa, yêu cầu chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định hoặc tài khoản mới mở rồi cung cấp thông tin tài khoản để kiểm tra hoặc tải các đường link, phần mềm giả mạo cơ quan, nhằm đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt. Việc các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, xử lý tội phạm đều được tiến hành trực tiếp, không thông qua mạng xã hội gửi thông báo, tin nhắn yêu cầu. Ngoài ra đối tượng còn giả mạo là người nước ngoài (sĩ quan, binh lính đang tham gia chiến tranh, làm nhiệm vụ quốc tế tại các khu vực chiến sự... không có người thân) thông qua mạng xã hội làm quen, sau đó lấy lý do gửi quà, đồ vật giá trị, thậm chí là ngoại tệ, vàng có giá trị rất lớn nhờ nhận, quản lý, lưu giữ; sau đó giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu nộp tiền cước vận chuyển, thuế, tiền phạt, chi phí tiêu cực... để chiếm đoạt.

Để phòng tránh, người dùng mạng xã hội nên chủ động kiểm tra thông tin đã chuẩn hóa hay chưa thông qua các công cụ, hướng dẫn từ nhà mạng. Không thực hiện theo các yêu cầu khi nghe cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Chỉ thực hiện theo các thông báo cập nhật, chuẩn hóa thông tin từ các kênh chính thức của các doanh nghiệp viễn thông di động sử dụng cho mục đích nhắn tin, gọi điện thông báo đề nghị chuẩn hóa thông tin thuê bao. Người dân cần biết thêm thông tin chi tiết có thể truy cập vào các trang web hoặc gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để được hỗ trợ, hướng dẫn. Đối với các thuê bao đã bị khóa hai chiều, người dân phải đến trực tiếp các điểm giao dịch của các nhà mạng để thực hiện chuẩn hóa và mở khóa liên lạc lại. Đặc biệt là không được cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng, mã OTP, không chuyển tiền cho người khác khi chưa xác thực. Khi phát hiện các thông tin, tài liệu về các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng để được giúp đỡ…

PHAN LIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tập trung đảm bảo an ninh trật tự tại Vĩnh Tân
Xã Vĩnh Tân (Tuy Phong) có 3 thôn. Đặc biệt, trên địa bàn xã còn có Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, đây là trung tâm năng lượng của quốc gia. Do đó, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) tại Vĩnh Tân là vấn đề luôn được các ngành, địa phương quan tâm…
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thận trọng hơn khi “giao dịch” trên mạng xã hội