Các chương trình và sự kiện đa dạng được triển khai trong thời gian này, với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, nhằm vận động quyên góp cho Quỹ “Vì người nghèo”. Riêng cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương nhà nước ủng hộ tối thiểu một ngày lương. Những đóng góp này sẽ được sử dụng để hỗ trợ các mục tiêu như cung cấp nhà ở cho hộ nghèo, tạo sinh kế và giúp người nghèo cải thiện cuộc sống. Chương trình này đã trở thành một hoạt động thường niên và có ý nghĩa lớn trong việc thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng đối với những người gặp khó khăn trong cuộc sống.
Có thể nói, tháng 11 hàng năm là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động giảm nghèo của nước ta, với sự vào cuộc tích cực của cả cộng đồng xã hội. Việt Nam là một trong các quốc gia được tổ chức Liên Hợp quốc đánh giá đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo. Theo các báo cáo, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm mạnh, từ 58% vào năm 1993 xuống còn 2,23% vào năm 2021 và khoảng 2,93% vào năm 2023, đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong giai đoạn từ 2005 đến 2020, tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm một nửa, với hơn 40 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo.
Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức, như nguy cơ tái nghèo và chênh lệch phát triển giữa các vùng miền. Tuy nhiên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo toàn diện và bền vững vẫn tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau. Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trên toàn quốc, nhắm đến các huyện đặc biệt khó khăn và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mới đây, trên Báo Bình Thuận đã đăng một thông tin tích cực về hành động giúp “cần câu” cho hộ nghèo không có việc làm ổn định của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Phan Thiết trong Tháng “Vì người nghèo”. Qua thông tin mọi người đều có thể thấy dù giá trị vật chất chưa thật sự nhiều nhưng ý nghĩa không nhỏ chút nào trong các hoạt động thiết thực hướng đến người nghèo, hộ nghèo của cộng đồng. Cụ thể là phòng đã trao tặng 9 xe cà phê - nước giải khát và 5 xe nước mía cho các hộ nghèo. Mỗi tủ xe được trang bị 6 bàn và 24 ghế, với trị giá mỗi tủ xe nước mía là 11,8 triệu đồng và tủ xe cà phê là 8,3 triệu đồng để giúp người nghèo mưu sinh. Tin rằng còn nhiều, rất nhiều các nghĩa cử, các hoạt động thiết thực của các tổ chức, đơn vị và cá nhân ở Bình Thuận hướng về người nghèo trong tháng 11 này mà báo chí có thể chưa có điều kiện để thông tin được hết.
Thực tế, trong những năm qua, Bình Thuận cũng đã chú trọng thực hiện nhiều chương trình phát triển sinh kế, trong đó chú trọng đa dạng hóa mô hình sản xuất và cải thiện thu nhập cho hộ gia đình. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình mục tiêu Quốc gia 1719) được triển khai hiệu quả, giúp đồng bào địa phương có cơ hội mở rộng sản xuất và tăng cường thu nhập.
Trong thời gian đến, để giúp dân giảm nghèo bền vững, Bình Thuận cần tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách và chương trình hỗ trợ nhằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, tỉnh tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn lực phát triển sản xuất, như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và phân bón cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo... Ngoài ra, các chính sách trợ giúp xã hội cũng cần được tiếp tục áp dụng, như cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho học sinh hộ nghèo và hộ cận nghèo, nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng để khơi dậy ý chí tự lực, vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống của hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.