Tại gần cửa sông Phú Hài, trại ghe, hay gọi một cách dân dã là “ụ ghe” này là nơi được nhiều chủ phương tiện chọn để sửa chữa khi cần thiết. Vì rất thuận tiện cho các phương tiện ra vào vì ở đây mực nước khá sâu và ổn định. Từ nhiều năm nay, anh Trần Duy Minh, chủ cơ sở này chịu đầu tư đến hàng tỉ đồng, để có máy kéo, có hệ thống đường ray, có dây cáp chịu tải lớn, để kéo được những chiếc tàu có công suất lớn lên bờ phục vụ sửa chữa.
Hoạt động cũng chưa lâu nhưng hầu như lúc nào trại ghe của anh Minh cũng có 7 thợ chính, trên chục thợ phụ. Có những thời điểm việc nhiều thì thợ đông hơn. Người nào việc nấy, họ tất bật với với nhiều công đoạn như: kéo ghe, cạo, rửa, xảm, trét keo làm nước, rồi sơn phết, trang trí cho tàu thuyền…Nhưng tất cả thợ thầy ở đây đều học việc rồi làm nghề theo kiểu “cha truyền con nối”, chứ không hề có bằng cấp chuyên môn.
Tuy chỉ mới làm nghề từ hơn 3 năm nay, anh Minh cũng như nhiều chủ trại ghe khác đều phải xác định, ngoài việc đầu tư trang thiết bị, chủ cơ sở luôn tìm tòi sáng tạo, học hỏi để trau dồi kiến thức; thêm vào đó, lực lượng thợ có tay nghề cao để có chất lượng và giá cả hợp lí mới là cơ sở để khách hàng đặt niềm tin và tìm đến. Từ rất nhiều số hiệu trên thân những con tàu đang cặp ở ụ ghe của cơ sở Trần Duy Minh, có thể thấy khách hàng ở đây đến từ rất nhiều nơi, cả trong và ngoài tỉnh đều rất đông.
Tại cơ sở đóng sửa tàu thuyền Trí Thuật cũng ở khu phố 1 phường Phú Hài cũng vậy, nhờ uy tín trong quá trình làm ăn, nên ở đây không khí làm việc luôn tấp nập. Để khuyến khích thợ làm việc hăng say hơn, chủ doanh nghiệp vẫn chọn phương pháp khoán gọn theo từng đơn vị chiếc. Trên cơ sở đó, tốp thợ tự cân đối, tính toàn, rồi phân công nhau làm việc, với thời gian hợp lí để có thu nhập cao hơn, so với phương pháp trả theo từng ngày, cho người làm công mà các chủ ụ ghe vẫn áp dụng. Với cách làm ấy, gần 30 lao động ở cơ sở này có thu nhập bình quân khoảng 300 ngàn đồng/ngày/người. Trong đó, thu nhập cao nhất là thợ mộc, từ 500 – 600.000 đồng/ngày công. Dù vậy, họ buộc phải đầu tư cho mình bộ đồ nghề riêng cũng rất tốn kém.
Trong số 14 cơ sở đóng sửa tàu thuyền trên địa bàn tỉnh, cơ sở này là một trong số ít cơ sở thực sự đủ năng lực đóng mới tàu thuyền, đặc vỏ gỗ có công suất lớn đến hàng trăm CV, trong đó có tàu 67. Đóng được tàu bằng gỗ, thì việc phải chạy tìm đủ nguồn nguyên liệu, với số lượng hàng ngàn mét khối, luôn là vấn đề khó khăn của chủ cơ sở. Theo tính toán của thợ lành nghề, để đóng được một chiếc tàu có công suất lớn tiêu tốn gần 140 m3 gỗ. Trong khi gỗ để đóng được tàu đang khan hiếm, nên phải nhập từ Lào về. Nhưng nhiêu khê nhất vẫn là khâu thủ tục hành chính để chứng minh nguồn lâm sản hợp pháp. Vì thế, lâu nay chủ cơ sở tự bơi, chưa có chính quyền địa phương hay cơ quan nào giúp đỡ để tạo thuận tiện cho hoạt động đóng sửa tàu thuyền.
Trước đây, ở phường Phú Hài có 4 cơ sở nữa hoạt động sửa chữa tàu, thuyền, nhưng đến nay chỉ còn 2 cơ sở vì có rất nhiều trở ngại khiến chủ cơ sở khó có thể duy trì. Trong đó ngoài việc cần mặt bằng đủ rộng như mé sông, độ sâu ổn định, chủ các trại ghe rất cần có nguồn vốn để duy trì và mở rộng sản suất. Nhưng điều này rất khó vì họ không có tài sản để thế chấp vay vốn.
Thêm một khó khăn chung là mặt bằng hiện tại của các cơ sở sửa chữa tàu thuyền chưa đủ rộng để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Bên cạnh đó, hầu như diện tích đất mặt bằng làm nghề chưa được chuyển dổi mục đích, mà nếu chuyển đổi sang loại đất sản xuất – kinh doanh theo quy định thì phải đóng thuế khá cao, vượt quá khả năng của các chủ cơ sở đóng sửa tàu thuyền. Mặt khác, số lượng thợ có chuyên môn, được học hành bài bản về nghề đóng sửa tàu thuyền chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vì sao các cơ sở đóng sửa tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ngày càng giảm về số lượng.
Thống kê của ngành NN&PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh đang có trên 6.800 tàu thuyền, trong đó gần 1.000 tàu thuyền có công suất từ 300 CV trở lên được trang bị hiện đại để khai thác trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, với số lượng tàu thuyền lớn như vậy, điều bất hợp lý là số lượng cơ sở đóng sửa tàu thuyền của Bình Thuận năm 2012 từ 50 cơ sở, đến nay chỉ còn 14. Số lượng giảm nghiêm trọng, trong đó những cơ sở đủ năng lực đóng mới phương tiện đánh bắt hải sản chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. |
LA VŨ