“Ngôi nhà chung” của liệt sĩ
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường Hồ Chí Minh. Khu đồi Bến Tắt với vị trí là tuyến đầu của chiến trường miền Nam, cũng là điểm khởi đầu của tuyến đường Trường Sơn. Sau ngày đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị. Khu đồi Bến Tắt được chọn làm nơi an nghỉ vĩnh hằng của các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn.
Đoàn chúng tôi dừng xe dưới chân đồi Bến Tắt, hòa cùng dòng người từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước bước vào nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ. Dẫu đã tìm hiểu cũng như nghe nhiều về nghĩa trang này nhưng đến đây mới thấy nơi này rộng lớn quá. Những mộ phần được đặt lớp lớp thẳng hàng trải dài trên đồi núi mênh mông. Hơn 10.000 liệt sĩ đã nằm lại nơi đây. Họ - những chàng trai, cô gái từ khắp mọi miền đất nước chia tay gia đình, người thân lên đường ra trận theo tiếng gọi của Tổ quốc… và đã vĩnh viễn không trở về.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết nghĩa trang khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Nghĩa trang là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sĩ, có tổng diện tích 140.000 m2. Với kiến trúc khá độc đáo, nghĩa trang được chia thành nhiều khu. Trong đó, Khu tưởng niệm nằm ở trung tâm trên một ngọn đồi cao hơn 32m từ dưới cổng đi lên. Ở đây có 6 bức phù điêu được chạm khắc bằng đá ghi lại những hình ảnh các binh chủng của bộ đội Trường Sơn. Ở giữa sân có đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghi. Quanh tượng đài là các khu mộ liệt sĩ, được tập trung theo tỉnh, thành phố. Mỗi khu mộ đều có nhà tưởng niệm được xây dựng theo phong tục tập quán, bản sắc, biểu tượng đặc trưng riêng của mỗi địa phương. Các phần mộ được xây dựng kiên cố, đường đi lát đá hoặc tráng xi măng sạch sẽ, nhiều cây xanh. Ngoài ra, còn có Đại hồng chung đặt tại tháp chuông. Chuông khá to để mọi người khi đến viếng đều có thể thỉnh lên những tiếng chuông và gửi gắm tâm nguyện của mình. Trên thân chuông có khắc lời đề: “Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ/Dạt dào Đông Hải khí anh linh/Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí/Muôn dặm non song nặng nghĩa tình”.
Chứng kiến khoảng không gian tĩnh lặng và từng đoàn người đi trong trầm mặc, trang nghiêm, cùng kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi phần nào hiểu được giá trị của sự hy sinh và giá trị cuộc sống hòa bình hôm nay. Mảnh đất này năm xưa là chiến trường vô cùng ác liệt. Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đảm bảo sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Giờ đây, lại chính là nơi trở về của hàng ngàn liệt sĩ, nằm kề bên nhau dưới lòng đất mẹ như cái thuở ở chiến trường.
Hành trình tri ân
Trong những dòng người đến với Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, chúng tôi gặp những cựu chiến binh mái tóc đã bạc màu thời gian đến thăm phần mộ đồng đội của mình.
Cựu chiến binh Võ Tuấn Thung (xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) ngồi ngắm nhìn thật lâu tấm bia mộ đồng đội. Ông cho biết, ngày đó đường Trường Sơn là chiến trường ác liệt. Bom đạn cày xới, khói lửa triền miên. Đi vào Trường Sơn là trao cả tuổi thanh xuân ở đó để trở thành những người con quyết tử vì non sông, đất nước. “Khoảng thời gian đó, tôi cùng đồng đội đã sát cánh bên nhau, đồng cam chịu khổ. Tôi may mắn trở về, còn đồng đội tôi đã nằm lại đây. Thương lắm! Vì vậy năm nào cũng đến đây để thắp một nén nhang cho đồng đội để nhớ lại ngày xưa”, ông Thung chia sẻ.
Và cũng trong dòng người về với Nghĩa trang Trường Sơn, có rất nhiều các bạn trẻ. Họ đến để bày tỏ lòng tri ân, sự cảm phục với bao chiến sĩ anh dũng ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc. Và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của cha ông vẫn hàng ngày, hàng giờ hiện hữu nơi này. Chị Hoàng Thị Ánh Nguyệt (tỉnh Thái Nguyên) tâm sự: “Các anh cống hiến cuộc đời mình để đất nước hòa bình, độc lập, tự do. Đến Nghĩa trang Trường Sơn những ngày tháng tư, tôi như được “tắm” mình trong truyền thống, hun đúc thêm niềm tự hào. Đó cũng là nguồn cội của sức mạnh. Để tri ân công ơn to lớn ấy, tôi tự cảm thấy mình phải cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác, trong lao động góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của quê hương”.
Theo Ban Quản lý Nghĩa trang, trung bình mỗi năm, nghĩa trang đón khoảng 20.000 lượt người đến thăm viếng. Họ là những cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, ôn lại ký ức Trường Sơn cùng đồng đội; là những người cha, người mẹ, người thân, đến đây để tìm lại bóng dáng người thân yêu ròng rã mấy mươi năm biền biệt chẳng về; là những người trẻ sinh ra sau chiến tranh đến để bày tỏ lòng tri ân… Trong mạch giao cảm giữa người mất - người còn, của tình đồng chí, đồng đội, của thế hệ trước và nay, của bom đạn và hòa bình, cứ thế mạch nguồn Trường Sơn vẫn chảy ấm áp đến lạ thường, mỗi câu chuyện như mới hôm qua.
Trời Quảng Trị những ngày tháng tư nắng gắt. Thi thoảng vẫn có làn gió nhẹ làm rung rinh cành lá, không khí thật yên bình. Bỗng tôi nhớ đến những câu thơ:
“…Anh cứ ngủ yên giấc nghe anh/Khoảng trời xưa bốn mùa êm dịu nắng… Trường Sơn thương anh nên rừng lá đỏ/Và mây lặng im-mây trắng đến bây giờ…”.
Chúng tôi rời đi trong niềm xúc động lan tỏa. Các anh - những ngôi sao không bao giờ tắt trong lòng đất mẹ, những ngôi sao sáng mãi trên con đường Trường Sơn hôm nay.