Theo dõi trên

Tưởng niệm 25 năm ngày mất của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (27/4/1998 - 27/4/2023): Người mở đường trong công cuộc đổi mới

27/04/2023, 05:28

Ngày nay khi công cuộc đổi mới của nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Những thành tựu đó đã khẳng định đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử, của Việt Nam và nguyện vọng của nhân dân. Trong thành quả chung đó, có sự đóng góp quan trọng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Hôm nay, đã tròn 25 năm ngày mất của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhưng tên tuổi, tầm vóc và ảnh hưởng của đồng chí vẫn còn sống mãi với thời gian, đồng chí mãi được dân tộc ta nhớ đến như “Người mở đường trong công cuộc đổi mới”.

tai-xuong.jpg
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người đầu tiên khởi xướng công cuộc đổi mới tại Đại hội VI năm 1986. Ảnh tư liệu

Người con kiên trung với Đảng

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Đức Cúc, sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, quê gốc Giai Phạm, huyện Mỹ Hào (nay là Yên Mỹ), tỉnh Hưng Yên. Năm 1929, ở tuổi 14, đồng chí đã bắt đầu tham gia phong trào Học sinh đoàn của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1930, đồng chí đã cùng các học sinh yêu nước thực hiện nhiệm vụ rải truyền đơn dọc phố Cát Dài. Nhóm rải truyền đơn bị theo dõi và bị cảnh binh bắt “quả tang”, đưa về giam tại Sở Mật thám Hải Phòng. Dù chưa đầy 16 tuổi, đồng chí vẫn bị bọn thực dân Pháp đưa ra xét xử tại Tòa đề hình, kết án 18 tháng tù giam, sau xử thêm phát lưu chung thân. Trải qua 2 lần bị địch bắt, với 10 năm bị giam cầm trong ngục tù của chế độ thực dân, những ngón đòn tra tấn dã man của kẻ thù tại địa ngục trần gian Côn Đảo không khuất phục được ý chí gang thép của đồng chí. Trái lại, nhà tù chính là nơi tôi luyện đồng chí Nguyễn Văn Linh trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung, dày dạn kinh nghiệm và đầy bản lĩnh. Khi được trả tự do, hòa mình trong phong trào đấu tranh sôi nổi của các tầng lớp nhân dân đòi các quyền dân chủ, dân sinh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trở thành người cán bộ lãnh đạo cốt cán trong Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tại Đại hội IV (tháng 12/1976), Đại hội V của Đảng (tháng 3/1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được bầu vào Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Đồng chí được phân công giữ các chức vụ: Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương; Trưởng Ban dân vận Mặt trận Trung ương; Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam; Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Thường trực Ban Bí thư… Tháng 12/1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trong suốt 70 năm hoạt động cách mạng, trải qua các thời kỳ và cương vị công tác khác nhau, qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn giữ vững phẩm chất kiên trung, khí tiết, đạo đức, tư cách của người cộng sản, một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Người mở đường “đổi mới”

Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh luôn gần dân, tin dân, lấy dân làm gốc. Từ việc luôn bám sát cơ sở, lắng nghe tiếng nói của nhân dân, đồng chí đã cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những chủ trương, chính sách sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển và nhất là hợp lòng dân.

Giai đoạn giữ chức vụ Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã “bật đèn xanh” cho TP. Hồ Chí Minh “xé rào” đổi mới, xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, thí điểm đổi mới quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước. Đây là những bước đột phá đầu tiên mặc dù chưa hoàn thiện nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý cũ. Dù còn nhiều ý kiến trái chiều cho rằng thành phố chạy theo cơ chế thị trường, nhưng đồng chí vẫn kiên định với cách làm này.

Những chính sách đổi mới ấy càng mạnh mẽ hơn khi đồng chí Nguyễn Văn Linh trên cương vị Tổng Bí thư. Trong bài diễn văn đọc tại phiên khai mạc Đại hội VI, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nêu rõ quan điểm: “Phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng”. Với tầm tư duy chiến lược nhạy bén, vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách nhuần nhuyễn, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nêu ra và kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc - đổi mới nhưng luôn luôn giữ vững định hướng XHCN, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Những quyết sách hợp lòng dân được triển khai. Đó là những quyết sách nhằm ổn định kinh tế để phát triển và ổn định tình hình mọi mặt của đất nước, từng bước tháo gỡ khó khăn; thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn: Lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Cùng với đó, đổi mới khâu lưu thông, phân phối, tích cực vận động kinh tế, từng bước phá vỡ thế bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch; đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thể hiện qua việc xác định, Đảng phải đổi mới nhiều mặt như tư duy kinh tế, đổi mới về tổ chức, đội ngũ cán bộ, phong cách lãnh đạo, mọi mặt công tác.

Khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, với niềm tin vững chắc vào tiền đồ chủ nghĩa xã hội, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chỉ đạo soạn thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định, phát triển kinh tế đến năm 2000, được Đại hội Đảng lần thứ VII năm 1991 thông qua.

Có thể khẳng định, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo và quá trình ra quyết định về chính sách kinh tế linh hoạt, đổi mới và độc đáo mang đậm dấu ấn cá nhân, qua đó thể hiện tầm quan trọng của đồng chí trong vai trò lãnh đạo đất nước trong những ngày đầu đổi mới. Kiên định trong chiến đấu, nghiêm túc trong công việc, sáng tạo trong đổi mới - đó là những gì đã được thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

“Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh thật phong phú và oanh liệt. Dù ở đâu, làm gì, ở cương vị nào, đồng chí cũng hết lòng vì Đảng, vì dân, vững vàng trước mọi khó khăn thử thách, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng” -  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khai trương Trang thông tin đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và “Những việc cần làm ngay”
Chiều 24/4, Báo Nhân Dân chính thức khai trương Trang thông tin đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và “Những việc cần làm ngay” tại địa chỉ http://nguyenvanlinh.nhandan.vn. Trang thông tin tiếp tục hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số của Báo Nhân Dân, kết hợp thông tin, dữ liệu chính thống với công nghệ và các ý tưởng sáng tạo, nhằm số hóa những tư liệu đặc biệt quý giá về xây dựng Đảng.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tưởng niệm 25 năm ngày mất của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (27/4/1998 - 27/4/2023): Người mở đường trong công cuộc đổi mới