Ông Đặng Huy Thành - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam. |
Ông nghĩ gì về các dự án nâng cao giá trị xuất khẩu và truy xuất nguồn gốc thanh long tại Bình Thuận?
Ông Đặng Huy Thành: Vừa qua, Liên minh châu Âu có dự án tên gọi là MUTRAP, nhằm tài trợ cho các HTX nâng cao giá trị xuất khẩu quả thanh long Việt Nam nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng. Dự án đã triển khai tại Bình Thuận và Long An. Tại Bình Thuận, dự án đã thành công khi đưa 2 HTX thanh long là: HTX Hàm Minh 30 và HTX Thuận Tiến đi sang CHLB Đức tham dự Hội chợ Quốc tế trái cây và rau củ quả (tên gọi Fruit Logistisca 2017) lớn nhất thế giới. Tại hội chợ, quả thanh long được 2 HTX trên xuất khẩu đi thị trường châu Âu chính ngạch, điển hình như HTX thanh long Thuận Tiến thông qua dự án đã tìm được một số đối tác xuất khẩu thanh long chính ngạch sang Đức, Pháp, Mỹ. Dự án MUTRAP kết thúc, trung tâm đang tiến hành dự án hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho nông sản Việt (tại Bình Thuận thực hiện cho quả thanh long) bao gồm: xây dựng chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Điều này cũng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường khó tính.
Về phía nông dân, nơi đơn vị triển khai?
Ông Đặng Huy Thành: Hiện nay ý thức sản xuất của bà con nông dân được nâng cao, thực hiện tốt quy định về dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu. Đơn vị triển khai dự án khuyến cáo bà con tiếp tục tuân thủ thực hiện tốt những gì dự án đã triển khai, thực hành nông nghiệp tốt, cũng như làm mô hình điểm để sau này cùng nhau phát triển. Thông qua dự án truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ phần mềm cho bà con nông dân, các đơn vị tham gia dự án đã từng bước cải thiện thói quen, tập quán trong sản xuất nông dân. Các nhà thu mua, vận chuyển cũng ý thức hơn trong việc bảo quản sản phẩm, làm sao để sản phẩm an toàn từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng, cũng như “vào” được những thị trường khó tính.
Để “truy xuất nguồn gốc” thì phải bắt đầu như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Huy Thành: Bước đầu, nông dân phải sử dụng điện thoại thông minh để ghi nhận những thao tác trên đồng ruộng, thói quen sản xuất, làm quen như những cái mới. Ban quản lý dự án sẽ cung cấp cho nông dân những phầm mềm, cũng như hướng dẫn, để bà con có thể ứng dụng
Tham gia vào dự án có rất nhiều đơn vị. Hiện nay Ban quản lý dự án đã tiến hành lựa chọn một số đơn vị, bắt đầu triển khai tập huấn để nông dân các HTX: Thuận Tiến, Hàm Minh 30, HTX Hòa Lệ… thực hiện trên đồng ruộng.
Xin cảm ơn ông!
Truy xuất nguồn gốc là cầu nối đi từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Ở mỗi điểm trong chuỗi giá trị, người nông dân phải cung cấp các thông tin rõ ràng, minh bạch, gắn kết từng chuỗi giá trị với nhau để nâng cao giá trị sản phẩm. |
Thanh Duyên (thực hiện)