Bỏ trái nuôi cành
Những ngày qua, không khí thu hoạch, thu mua thanh long trên địa bàn tỉnh khá nhộn nhịp. Nhìn ven các vườn thanh long dọc quốc lộ 1A, những khay nhựa chứa đầy thanh long được xếp thành hàng chờ xuất bán. Anh Tư An - chủ một vườn thanh long ở xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc vừa thu hoạch xong phấn khởi cho biết: “Dù thanh long nhiều sâu bệnh, nhưng thời điểm này được giá nên sản lượng thấp, vẫn có lãi khá hơn so năm ngoái”. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít hộ có lãi khá từ thanh long vụ mùa. Hiện nay, không ít hộ dân khác lại chọn cách bỏ trái nuôi cành để dưỡng cây cho vụ chong đèn. Đơn cử gia đình chị Nguyễn Thị Trang có 200 trụ thanh long trên địa bàn xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc). Mấy năm nay, mỗi năm gia đình chị thu nhập từ những trụ thanh long này được khoảng xấp xỉ vài chục triệu đồng. Riêng vụ mùa năm nay, do thanh long bị đốm nâu nhiều, cây yếu nên anh chị quyết định cắt bỏ trái để nuôi cành. Khi nói về tình hình giá cả thuận lợi hiện nay, chị Trang cho biết: “Các hộ gia đình trong xóm dù biết thanh long bệnh nhưng vẫn cố công chăm sóc để bán kiếm thêm thu nhập, riêng gia đình tôi quyết định bỏ vụ này để cây có sức cho cho vụ chong đèn sắp tới”.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay toàn tỉnh có 27.247 ha, thời kỳ ra hoa chính vụ. Do thời tiết đã chuyển sang mùa mưa nên bệnh đốm nâu có xu hướng gia tăng về diện tích và tỉ lệ bệnh hại. Cụ thể, các loại bệnh đang xảy ra trên cây thanh long là bệnh đốm nâu với diện tích 4.181 ha, so với tuần trước tăng 991 ha và so với cùng kỳ năm 2016 tăng trên 2.000 ha. Bệnh phát sinh gây hại tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, thị xã La Gi, Hàm Tân, TP. Phan Thiết và Tuy Phong. Ngoài ra, bệnh thối rễ, teo tóp cành có diện tích nhiễm 369 ha, phân bố tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, TP. Phan Thiết và thị xã La Gi. Các đối tượng dịch hại khác phân bố rải rác, cục bộ trên toàn vùng trồng thanh long.
Cần chăm sóc, bón phân
Kỹ sư Trần Minh Tân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, tình hình thời tiết hiện nay mưa nắng thất thường nên bệnh đốm nâu, thán thư (đốm đồng tiền), thối đầu trái vi khuẩn sẽ gia tăng trên diện rộng. Do đó, đề nghị bà con áp dụng đúng quy trình phòng trừ tổng hợp (IPM) do Chi cục Bảo vệ thực vật ban hành.
Kỹ sư Tân cho biết thêm, theo thông lệ, khoảng đầu tháng 8 dương lịch (tháng 7 âm lịch) sẽ đến mùa chong điện, nhưng nhiều vườn thanh long hiện nay bị suy kiệt, cỏ dại, dịch bệnh, teo tóp cành…đang diễn ra trên diện rộng, nguy cơ vụ điện sắp tới sẽ khó thành công. Vì vậy, bà con phải tiến hành chăm sóc, bón phân, quản lý dịch bệnh, tăng khả năng hồi phục cho cây khỏe, với hy vọng vụ chong điện sắp tới sẽ thuận lợi. Riêng đối với bệnh đốm nâu trên cây thanh long, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện cần tăng cường theo dõi sát diễn biến bệnh trên vườn; tuyên truyền, phổ biến “Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh đốm nâu hại thanh long” của Cục Bảo vệ thực vật ban hành cho người dân biết và áp dụng. Đối với bệnh thối rễ, teo tóp cành: xử lý nguồn bệnh bằng thuốc BVTV (thuốc trừ nấm + thuốc trừ tuyến trùng) và phục hồi bộ rễ bằng các thuốc kích thích sinh trưởng hoặc các loại phân bón có khả năng kích thích ra rễ. Đối với những cây bị nặng có thể phun thêm phân bón qua lá để hồi phục. Sau khi cây đã phục hồi rễ có thể bón thêm các phân có chứa hàm lượng lân cao như: Super lân, lân nung chảy, lân phosphorite... hoặc bón thêm phân hữu cơ khoáng hay hữu cơ vi sinh, tránh bón phân NPK, vôi với hàm lượng cao dễ gây tổn thương cho rễ mới hồi phục.
K. HẰng