Từ những khó khăn
Đơn cử, đại biểu (ĐB) Ung Văn Tám (đơn vị Hàm Thuận Bắc) cho biết, những kiến nghị của cử tri địa phương về mở rộng hệ thống nước sạch đã được Nhà nước quan tâm đầu tư, nhưng hiện nay một số nơi đã thi công hoàn thành nhưng chưa nối mạng. Ngoài ra, cử tri trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến Dự án tổng thể 920 đã đo đạc, nghiệm thu ở một số xã trên địa bàn tỉnh. Nhưng khi người dân làm thủ tục về đất đai thì việc đo đạc đó không chính xác, buộc người dân có nhu cầu phải đo đạc lại, phát sinh thêm chi phí…
ĐB Nguyễn Phú Hoàng (đơn vị Tuy Phong) đề xuất các giải pháp về chính sách hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, kiến nghị cần có chính sách đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, đặc biệt quan tâm triển khai tốt đề án phát triển cây thanh long. Song song, có chính sách thu hút, khuyến khích các dự án đầu tư nông nghiệp, nông dân ứng dụng công nghệ cao; Quy hoạch vùng trồng theo hướng quy mô cánh đồng lớn, đặc biệt cây lúa ở Tánh Linh, Đức Linh…
Liên quan lĩnh vực văn hóa – xã hội, ĐB Huỳnh Thị Mỹ Hạnh, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nhận định rằng: Ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực trong việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Việc sắp xếp, sáp nhập các trường đã giúp tăng quy mô lớp học và nâng cao hiệu quả giảng dạy. Tuy nhiên, quá trình này vẫn chưa đồng bộ, nhiều điểm trường lẻ vẫn tồn tại, cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp. Do đó, cần sớm sáp nhập các điểm trường lẻ vào các trường chính và quy hoạch lại mạng lưới trường lớp. Cũng cần lưu ý việc bảo đảm đủ trường lớp cho các cấp học sau khi các đơn vị hành chính cấp xã được sáp nhập hoặc chia tách.
ĐB Đặng Thức Anh Vũ (đơn vị La Gi) nêu ý kiến: Việc thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tại Bình Thuận gặp nhiều khó khăn. Một số nguyên nhân chính bao gồm cơ sở vật chất và thiết bị y tế không được đầu tư đầy đủ, thiếu nhân lực. Kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa chặt, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Điều này dẫn đến tình trạng vượt trần chi phí, khó phát triển các kỹ thuật mới. Ngành y tế đã nỗ lực cải thiện như ký kết chuyển giao kỹ thuật với các bệnh viện tuyến trên, đào tạo chuyên môn, triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực…
Đến các nút thắt, điểm nghẽn
Thay mặt UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng tiếp thu, giải trình làm rõ các ý kiến đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp. Để tỉnh phát triển và đột phá, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng cần phải quyết tâm tháo gỡ được nút thắt, điểm nghẽn đã kéo dài nhiều năm như: Về thể chế, cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng, môi trường; tháo gỡ điểm nghẽn về quy hoạch hiện chưa được giải quyết căn bản và còn chồng chéo; điểm nghẽn liên quan đến đất đai; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2… Cùng với đó, sẵn sàng về mặt hạ tầng thiết yếu, về nhân lực, môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh. Ngoài ra cần tháo gỡ điểm nghẽn trong cải cách hành chính, đẩy nhanh chuyển đổi số tạo sự lan tỏa trong người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là tháo gỡ điểm nghẽn về con người, các cấp ngành, cấp ủy, chính quyền cần khuyến khích, động viên, khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, chấn chỉnh ngay tư tưởng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức...
Phát biểu kết luận tại phiên thảo luận, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh ghi nhận các ý kiến phát biểu của các đại biểu. Năm 2024, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Song kinh tế của tỉnh tăng trưởng cơ bản ổn định, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 7% so với năm 2023; 14/17 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội dự kiến đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 100,15% so với dự toán…
Tuy nhiên, kết quả huy động các nguồn lực để phát triển 3 trụ cột kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp và một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn. Công tác rà soát, lập, điều chỉnh các loại quy hoạch kéo dài…
Về nhiệm vụ và giải pháp năm 2025, Chủ tọa kỳ họp đề nghị UBND tỉnh, các ngành, các địa phương huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tranh thủ tối đa nguồn vốn Trung ương và bố trí các nguồn vốn của tỉnh để đầu tư các công trình trọng điểm, bức xúc. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm 2025 bảo đảm chất lượng, tiến độ. Đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa tháo gỡ các điểm nghẽn để các nhà đầu tư triển khai dự án. Đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai do chủ quan theo đúng quy định của pháp luật. Có giải pháp thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, có năng lực vào đầu tư tại tỉnh. Song song, kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh…