Phải khẳng định rằng thời gian qua các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trong tỉnh đã chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời khắc phục khó khăn để duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bước đầu đã thu được một số kết quả tích cực, được xã hội và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Điều mà ai cũng thấy rõ đó là tỉnh đã tích cực và quyết liệt trong khâu thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giải quyết kịp thời những kiến nghị, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất... Nhờ đó, những tồn tại và hạn chế trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dần được gỡ bỏ. Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành và giải quyết công việc của từng cán bộ, công chức, viên chức được áp dụng và tạo nên sự tin tưởng và hài lòng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp luôn được tỉnh nắm bắt và ưu tiên triển khai hàng đầu.
Tỉnh còn từng bước xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi theo quy định pháp luật. Công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cũng được quan tâm hơn, nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là phản ánh, kiến nghị với lãnh đạo tỉnh về những khó khăn, vướng mắc, tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, rút kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, góp phần tích cực vào việc ổn định thị trường, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tình hình dịch Covid-19 ở tỉnh ta diễn biến phức tạp hơn, tốc độ lây lan nhanh khiến cho các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trong khi đó thị trường trong nước và quốc tế giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm. Sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm… Trước thực trạng trên, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện theo nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó đề ra mục tiêu là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất. Hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tỉnh còn xác định, năm 2021 là một năm có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới là năm đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau đại dịch và cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025... Theo đó tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng…
THANH QUANG