Theo dõi trên

Thảo luận các giải pháp khắc phục khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

05/12/2024, 13:39

BTO-Tại phiên họp sáng 5/12, kỳ họp thứ 29 - HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã tiến hành phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, các lĩnh vực tư pháp năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Trong đó, nội dung nổi lên liên quan đến thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh thu hút đầu tư; vấn đề thực hiện sáp nhập, giảm đầu mối quản lý nhưng vẫn chưa giảm số cơ sở trường lớp…

Nguồn thu từ đất bị hụt thu nhiều năm

Báo cáo tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng nhấn mạnh: Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế của tỉnh tiếp tục giữ mức tăng trưởng. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 7,25%, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố. Du lịch đón 9,68 triệu lượt khách, tăng gần 16%, doanh thu khoảng 25.530 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định. Hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu trở lại bình thường, thông suốt. Xuất khẩu hàng hóa tăng hơn 11,2%. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 10.015 tỷ đồng, đạt hơn 100% dự toán…An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội căn bản được giữ vững.​

dang(1).jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng phát biểu tại phiên thảo luận.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND tỉnh, trong 17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đề ra trong năm 2024, dự kiến có 3 chỉ tiêu không đạt. Đó là tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 7% (kế hoạch tăng 8 - 8,5%); tốc độ tăng năng suất lao động xã hội 5,93% (kế hoạch tăng 6,4%); chi đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương 3.435,2 tỷ đồng (kế hoạch 3.616 tỷ đồng). Ngoài ra, giải ngân kế hoạch đầu tư công còn thấp…

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Nghiễm Vi – Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết: Thu ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do tỉnh chưa có nguồn thu chủ lực, có tính ổn định bền vững, nguồn thu từ đất bị hụt thu nhiều năm do tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại một số dự án kéo dài. Tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép diễn biến phức tạp, xử lý chưa nghiêm…

4a39b76f26529c0cc543.jpg
Các đại biểu dự họp.

Đại biểu Lê Nghiễm Vi đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư, UBND cấp huyện tập trung triển khai thực hiện các dự án ngay từ đầu năm. Chủ động có phương án xử lý, điều chỉnh khi dự án gặp vướng mắc, nhất là đối với các dự án lớn, công trình trọng điểm của tỉnh. Khắc phục tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao làm giảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh, kéo dài thời gian hoàn thành dự án và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công. Song song, thực hiện có kết quả việc thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực, có thương hiệu…

Kiến nghị thêm về các giải pháp liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Đại biểu Thanh Thị Kỷ - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS. Vì hiện nay ở các địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển KTXH, lúng túng trong thực hiện Chương trình, như Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị trong vùng đồng bào DTTS…

linh-tanh-linh.jpg
Đại biểu Trần Vũ Linh nêu ý kiến.

Tiếp tục thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Trần Vũ Linh – đơn vị Tánh Linh cho rằng sản xuất nông nghiệp tuy được duy trì, ghi nhận kết quả tăng trưởng, nhưng nhìn chung các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh chưa thật sự ổn định. Đại biểu Linh kiến nghị UBND tỉnh cần chủ động chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, tham mưu điều chỉnh kế hoạch ngay từ thời điểm 6 tháng đầu năm.

Khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm

Liên quan lĩnh vực văn hóa – xã hội, Đại biểu Huỳnh Thị Mỹ Hạnh - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nêu: Thực hiện việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thời gian qua ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh đã thực hiện đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Việc sắp xếp, sáp nhập trường có hiệu ứng tích cực, quy mô lớp tăng, giúp tổ chức dạy và học hiệu quả hơn.

hanh-.jpg
Đại biểu Huỳnh Thị Mỹ Hạnh.

Tuy nhiên, việc triển khai chưa đồng bộ, thực hiện sáp nhập, giảm đầu mối quản lý nhưng vẫn chưa giảm số cơ sở trường lớp. Bình Thuận còn nhiều điểm trường lẻ đang tồn tại song song với các điểm trường chính nhưng đã xuống cấp, thiếu phòng chức năng. Do đó, cần sớm thực hiện việc sáp nhập điểm trường lẻ vào điểm trường chính để đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nghiên cứu mở rộng quỹ đất, thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp để sắp xếp các điểm trường lẻ về điểm trường chính. Ngoài ra, cần lưu ý đối với các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sáp nhập hoặc chia tách do thực hiện việc chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp xã phải bảo đảm đủ trường, lớp cho mỗi cấp học.

9a181ee55bdde183b8cc.jpg
Học sinh vùng đồng bào DTTS đến trường (ảnh K.H)

Đại biểu Hạnh cũng nhấn mạnh, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa đạt chỉ tiêu. Thị trường lao động có lĩnh vực còn chênh giữa cung – cầu. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng nên thu hẹp sản xuất. Xu hướng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc gia tăng…Do đó, cần có biện pháp mạnh mẽ hơn để nâng cao nhận thức và khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm. Đồng thời đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đối với BHXH, BHTN…

duyen-duk.jpg
Đại biểu Lê Thị Hải Duyên đề xuất giải pháp.

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thị Hải Duyên – đơn vị Phan Thiết - Phú Quý đề xuất 3 nhóm nhiệm vụ. Trong đó về đầu tư công, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chú trọng chất lượng hồ sơ dự án. Về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Phát triển mạnh mẽ các ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực tăng trưởng mới. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…Cùng với đó, cần củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh. Tập trung triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch, biện pháp bảo đảm giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trong đó chú trọng việc kiểm tra về ma túy, nhất là đối với thanh, thiếu niên, học sinh…

Theo chương trình, vào đầu giờ chiều 5/12, HĐND tỉnh tiếp tục các nội dung của phiên thảo luận.

KIỀU HẰNG, ẢNH ĐÌNH HÒA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bế mạc kỳ họp thứ 28 - HĐND tỉnh khóa XI: Thống nhất thông qua 5 nghị quyết  quan trọng
BTO-Trưa nay (13/11), sau gần 1 buổi làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, kỳ họp thứ 28 (chuyên đề) - HĐND tỉnh khoá XI đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua 5 nghị quyết với 100% đại biểu tán thành.
Nổi bật
Phú Quý: Cần tạo nên sản phẩm du lịch khác biệt
Nhắc đến Phú Quý, nhiều du khách đã từng đến tham quan, nghỉ dưỡng đều muốn quay trở lại, không chỉ bởi vì nơi đây có hải sản tươi ngon, các điểm đến còn hoang sơ, giữ được nét đẹp tự nhiên vốn có, sự chất phác, thật thà của người địa phương mà đặc biệt hơn, “đảo ngọc” đang hướng tới là “điểm đến không mang theo đồ nhựa” - một điểm cộng không phải nơi nào cũng có được.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thảo luận các giải pháp khắc phục khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh