Tham gia thảo luận tại Tổ 14 còn có Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La và tỉnh Hải Dương.
Phát biểu điều hành tại phiên thảo luận, Ủy viên BCH TW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Dương Văn An cho rằng: Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND để thể chế đường lối, chính sách của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là cần thiết. ĐBQH Dương Văn An gợi mở một số vấn đề để các đại biểu tập trung thảo luận như: Sự cần thiết ban hành Luật; các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung gồm: Quy định thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm Đại tá lên Thiếu tướng; Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc để xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn; Bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân; Hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an...
Đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, ĐBQH Dương Văn An gợi mở các ĐBQH thảo luận xung quanh sự cần thiết ban hành Luật; Các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung như: Giấy tờ xuất nhập cảnh và thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh (khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật); cấp hộ chiếu phổ thông trong nước (khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật); các trường hợp thu hồi, hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu, việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông (khoản 7 và khoản 8 Điều 1 dự thảo Luật); giá trị thị thực (khoản 1 và khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật); mở rộng diện, điều kiện cấp thị thực điện tử (Khoản 3, Điều 2 dự thảo Luật); quy định về khai báo tạm trú (khoản 5 và khoản 8, Điều 2 dự thảo Luật)...
Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND; ĐBQH tỉnh Đặng Hồng Sỹ cho biết, số lượng cấp tướng hiện nay của ngành Công an có 199 tướng. Theo thông báo của Bộ Chính trị cho phép số tối đa là 205, tăng thêm 6 tướng; số lượng này phù hợp và đảm bảo theo kết luận của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, đối với đơn vị thành lập mới do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, dự kiến sẽ tăng lên 206 tướng. Điều này nên cân nhắc và tính toán lại, bởi nếu thực hiện như dự án luật thì theo kết luận của Bộ Chính trị có phù hợp hay không?
Về tăng hạn tuổi phục vụ trong CAND, đại biểu Đặng Hồng Sỹ thống nhất cơ bản theo lộ trình. Tuy nhiên đối với hạ sỹ quan phục vụ tuổi dưới 60 tăng ngay một lúc 2 tuổi (từ 45 đến 47 tuổi) thì lực lượng này rất đông. Theo đại biểu Đặng Hồng Sỹ, nên thực hiện theo lộ trình của Bộ luật Lao động quy định chung, đối với nam là 1 năm 3 tháng; đối với nữ là 1 năm 4 tháng...
Góp ý về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; ĐBQH tỉnh Phạm Thị Hồng Yến tham gia ý kiến tại khoản 2, Điều 33 về khai báo tạm trú của người nước ngoài. Đại biểu cho rằng, cần để điều khoản này ở góc độ mở. Cụ thể, cơ sở lưu trú du lịch cần phải thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua môi trường điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú; không nên quy định một phương án qua môi trường điện tử. Hiện nay nhiều khách sạn 1 sao chưa đủ điều kiện khai báo trên môi trường điện tử thì khó để thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật.
Cùng tham gia ý kiến về dự án luật này, ĐBQH tỉnh Trần Hồng Nguyên quan tâm đến điểm B, khoản 2, điều 15. Đại biểu đề nghị đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi theo quy định của Luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi, cần bổ sung thêm người khuyết tật... Đối với những người này nên cho phép người đại diện hợp pháp của họ làm các thủ tục hành chính sẽ phù hợp hơn...