Theo dõi trên

Thảo luận Luật Phòng chống tác hại rượu, bia: Không được bán rượu, bia gần trường học, bệnh viện

24/05/2019, 10:26

BTO - Sáng ngày 23/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, bà Nguyễn Thị Phúc tham gia phát biểu trực tiếp tại hội trường.

Đánh giá về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật lần này so với dự thảo luật trình ra tại kỳ họp thứ 6, nhiều nội dung quan trọng qua phát biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đã được Ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc như về qui định không được uống rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông, về qui định quảng cáo rượu, bia trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Bà Nguyễn Thị Phúc tham gia phát biểu trực tiếp tại hội trường. Ảnh: Văn Điệp 

Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Phúc cho rằng để giảm thiểu những tác hại của rượu, bia đối với con người, nhà nước cần phải có những chính sách phù hợp trong công tác phòng chống tác hại của rượu, bia, phải có "Khuyến khích nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới nhằm giảm tác hại của rượu, bia".

Về quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia là "Được cung cấp thông tin phù hợp, khoa học, chính xác, khách quan, đầy đủ về rượu, bia, nguồn góc, chất lượng và tác hại của rượu, bia". Theo đại biểu Phúc qui định như thế là còn chung chung, chủ thể cung cấp thông tin cho công dân là chưa rõ?

Vì vậy, đại biểu Phúc đề nghị cần phải cụ thể chủ thể cung cấp thông tin cho người dân vào điểm b, khoản 1, điều 4 để điều luật mang tính khả thi cao. Về qui định hành vi cấm "Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ... không được uống rượu bia ngay trước và trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa ca làm việc ..."  và  "Người điều khiển phương tiện giao thông không được uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham giao giao thông", qui định như thế là còn chung chung, khó thực hiện, mà nếu như thế thì tính khả thi cũng sẽ không cao, "ngay trước" ở đây là như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo cần phải lượng hóa cụ thể hơn.

Về thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia tại điểm b, khoản 2, điều 6 có nêu phải bảo đảm yêu cầu: "Phù hợp, dễ tiếp cận với từng đối tượng, trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thông, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo và phong tục tập quán; chú trọng đối với học sinh, sinh viên, thanh niên và cá nhân, tổ chức hộ gia đình sản xuất rượu thủ công". Như vậy ở điểm này chỉ đề cập việc thông tin, giáo dục, truyền thông đối với tổ chức, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công là chưa đủ, theo đại biểu Phúc ngay cả đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu công nghiệp cũng phải có trách nhiệm trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục.

Vì vậy, đề nghị bổ sung: Cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu công nghiệp vào cuối điểm b, khoản 2 của điều 6. Về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia, "Kể từ ngày luật này có hiệu lực, không thành lập mới các cơ sở bán rượu, bia để tiêu dùng tại chổ trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học".

Theo đại biểu Phúc, qui định như thế là còn rất chung chung, trường hợp không thành lập mới nhưng mở rộng qui mô của cơ cở hiện hữu đã được thành lập trước khi luật có hiệu lực thì có được không? Vì vậy, đại biểu Phúc đề nghị để đảm bảo tính chặt chẽ và hiệu lực của điều luật là phải  "cấm không được bán rượu, bia để tiêu dùng tại chổ trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường học từ trường mẫu giáo đến đại học". Đối với các cơ sở bán rượu, bia trong bán kính 100m đã hiện hữu từ trước khi có luật cần phải có lộ trình di dời để tạo môi trường lành mạnh tại các khu vực gần trường học.

Phúc Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thảo luận Luật Phòng chống tác hại rượu, bia: Không được bán rượu, bia gần trường học, bệnh viện