Ảnh minh họa |
Cầm những tập tài liệu trên tay, ta sẽ dễ dàng thấy ngay đó chính là những đề cương chi tiết được soạn một cách công phu. Tác giả của những bộ đề cương này đương nhiên là thầy cô giáo. Nghe có vẻ phi lý, học ôn phải do chính học sinh soạn, rồi học mới có đủ kiến thức đi thi. Nhưng cái lẽ đương nhiên ấy từ lâu đã bị chính thầy cô lãng quên, mà thay vào đó là thầy cô soạn, thậm chí phô tô luôn phát cho từng lớp. Học sinh chỉ việc cầm về và học hoặc làm tài liệu quay cóp khi vào phòng thi.
Môn thi nào chẳng có đề cương. Nếu là những môn học bài như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…, đề cương là những câu hỏi được soạn khá ngắn gọn. Nếu là môn có bài tập như Toán, Lý, Hóa, Anh văn… thường có 2 phần lý thuyết và thực hành. Đó là những bài tập được làm sẵn một cách chi tiết. Có người thắc mắc đặt câu hỏi “sao không để học sinh tự soạn? Thầy cô soạn sẵn hóa chẳng phải tập cho các em tính ỷ lại, lười tư duy hay sao?”.
Một giáo viên bậc trung học phổ thông cho biết: “Có đề cương sẵn, học sinh chịu học đã là một may mắn. Có em thầy cô năn nỉ còn chưa chịu học”.
Một số giáo viên cho biết, không ít trường hiện nay thường giao chỉ tiêu chất lượng bộ môn phải đạt khoảng 90 - 95% trở lên. Nếu trò đạt thấp hơn số đó, xem như việc xếp loại thi đua của giáo viên cuối năm cũng sẽ bị lung lay.
Không chỉ cần đạt số điểm trên 5 mà phải đảm bảo cả điểm khá, giỏi. Vì thế duy nhất chỉ còn cách “nấu ăn, dọn ra…” và mời học trò ngồi vào bàn ăn là chắc ăn nhất.
Học sinh khá, giỏi khi có đề cương sẽ bỏ thời gian ra học ngày, học đêm đến nhàu nát tập đề cương. Nhờ thế, số điểm các em đạt được cũng luôn ở mức 9 - 10 điểm. Những em học sinh yếu kém, học thì ít mà lợi dụng đề cương để làm bảo bối trong phòng thi thì nhiều. Có em dùng chính đề cương này đi phô tô thu nhỏ hàng chục bộ để mang vào phòng quay cóp.
Ngành giáo dục cứ liên tục “đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới thi cử”, nhưng bao năm việc thầy cô vẫn phải miệt mài soạn đề cương, phô tô tài liệu cho học sinh chỉ việc học vẫn chẳng thể thay đổi. Với cách dạy, cách học như thế sao gọi là giúp học sinh tư duy sáng tạo được?
Đỗ Quyên