Theo dõi trên

Thêm điểm nhấn cho thành phố biển Phan Thiết

26/09/2024, 05:05

Dự án chỉnh trang cụm công viên Tháp nước Phan Thiết và dự án cải tạo, nâng cấp công viên Đồi Dương, giai đoạn 1 (TP.Phan Thiết) đang được triển khai dự kiến hoàn thành trong quý I/2025, kịp chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng Bình Thuận (19/4/1975 - 19/4/2025). Không chỉ bảo tồn di tích lịch sử, các dự án còn mang đến không gian xanh và diện mạo mới cho đô thị biển Phan Thiết trở thành điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách…

Biểu tượng trường tồn người dân xứ biển

Tháp nước Phan Thiết (tên gọi khác là đài nước), từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa của người dân xứ biển Phan Thiết, nằm bên dòng sông Cà Ty hiền hòa, đã tồn tại gần 1 thế kỷ. Được xây dựng từ năm 1928 và hoàn thành vào năm 1934, công trình này do Hoàng thân Souphanouvong (1909 – 1995), sau này ông là Chủ tịch nước Lào, thiết kế khi ông còn là du học sinh tại Việt Nam.

Công trình tháp nước Phan Thiết

Năm 1928, với niềm đam mê hội họa, sinh viên Souphanouvong đã vẽ bản vẽ thiết kế 1 tháp nước. Bản vẽ được Sở Công chánh Hà Nội phê duyệt trước khi đưa ra đấu thầu. Sau đó, một người Huế trúng thầu và thuê người Pháp xây dựng tháp nước này. Dù được khởi công từ năm 1928, nhưng mãi đến năm 1934 công trình mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung cấp nước sinh hoạt cho Tòa Công sứ Pháp và người dân nội thị Phan Thiết lúc bấy giờ.

Tháp nước được xây dựng theo hình trụ bát giác đều. Chiều cao từ đế lên đỉnh tháp là 32 m. Tổng thể chia làm 3 phần, gồm: thân tháp, bầu đài và phần mái. Phần thân tháp có hình trụ bát giác, mỗi cạnh rộng 3,9 m càng lên cao càng thu nhỏ lại. Dọc theo các cạnh của thân tháp từ trên xuống có bố trí 5 ô thông gió được trang trí các hoa văn chữ triện tương ứng với 5 chữ: “Hỷ”, “Phúc”, “Thọ”, “Kiết”, “Lộc”. Hàm ý cầu chúc cho muôn người vui vẻ, hạnh phúc, trường thọ, thịnh vượng và no ấm. Riêng cạnh phía Tây ô thông gió chữ “Lộc” được thay bằng cửa sắt ra vào tháp. Phần bầu đài, tức là bồn nước, cũng được thiết kế hình bát giác cao 5 m, đường kính 9 m, chứa 350 m3 nước. Xung quanh bầu đài có 8 hình tròn được đắp nổi bằng mảnh sành sứ cách điệu bốn chữ U.E.P.T, viết tắt của cụm từ tiếng Pháp “Usine des Eaux de Phan Thiet” (nghĩa là Nhà máy nước Phan Thiết). Với đặc điểm kiến trúc vươn cao nên công trình cũng được sử dụng như một cột cờ. Vào tháng 8/1945, trong khoảnh khắc lịch sử chính quyền về tay nhân dân, tháp nước chính là nơi được chọn cắm lá cờ đỏ sao vàng của chính quyền cách mạng.

Bí thư Tỉnh ủy khảo sát Tháp nước Phan Thiết.

Ban đầu, tháp nước được xây dựng để cung cấp nước sinh hoạt cho Tòa Công sứ Pháp và cư dân nội thị Phan Thiết. Trải qua gần 100 năm tồn tại, tháp nước đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử và môi trường khắc nghiệt. Từ những trận bom đạn chiến tranh đến các cơn lũ lịch sử năm Nhâm Thìn (1952) và Quý Dậu (1993), tháp nước vẫn đứng vững, hiên ngang giữa lòng thành phố.

Bí thư Tỉnh ủy nghe báo cáo dự án cải tạo công viên Đồi Dương

Ngày nay, tháp nước không còn chức năng cung cấp nước, nhưng giá trị văn hóa và lịch sử của nó vẫn trường tồn, là di tích văn hóa của Bình Thuận và là dấu ấn của tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt - Lào. Ngày 19/10/2018, Tháp nước Phan Thiết đã được UBND tỉnh Bình Thuận quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh. Tháp nước Phan Thiết là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đặt chân đến Phan Thiết, không chỉ để chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo mà còn để tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử đầy ý nghĩa. Hình ảnh tháp nước được nhiều doanh nghiệp địa phương sử dụng làm biểu tượng, tạo nên một sự gắn bó sâu sắc giữa công trình và đời sống cộng đồng. Đây cũng là nơi lưu giữ những ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ, trở thành điểm vui chơi, tập thể thao, văn nghệ của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên Phan Thiết.

Bảo tồn nguyên trạng, tạo không gian xanh

Tháp nước Phan Thiết không chỉ nổi bật với kiến trúc độc đáo mà còn gây ấn tượng với không gian xanh mát, nằm ngay vị trí đắc địa bên bờ sông Cà Ty. Đây là địa điểm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh, check-in và tận hưởng không khí trong lành của phố biển. Những câu chuyện và kỷ niệm gắn liền với tháp nước đã trở thành niềm tự hào của người dân Phan Thiết khi giới thiệu với bạn bè và du khách thập phương. Tuy nhiên, sau gần 1 thế kỷ tồn tại, tháp nước đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Trước tình hình này, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Hoài Anh, cùng đại diện các sở, ngành đã tiến hành khảo sát và đưa ra phương án tu sửa. Mục tiêu đặt ra là giữ nguyên hiện trạng kiến trúc của tháp, đồng thời cải tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp xung quanh, biến nơi đây thành điểm đến lý tưởng cho du khách và người dân địa phương.

Tại buổi khảo sát, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: “Cần nghiên cứu phương án thiết kế giữ gìn di tích Tháp nước Phan Thiết, tạo cảnh quan khuôn viên quanh Tháp nước xanh, đẹp, trở thành một điểm tham quan, ngắm cảnh của du khách và nhân dân địa phương. Thành phố Phan Thiết cần khẩn trương hoàn tất các thủ tục, báo cáo UBND tỉnh để sớm khởi công. Mục tiêu là hoàn thành việc chỉnh trang khu vực Tháp nước trước ngày 19/4/2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng Bình Thuận”.

Theo Quyết định số 201/QĐ-SKHĐT ngày 29/6/2023, dự án chỉnh trang cụm công viên Tháp nước có diện tích 9.046m². Toàn bộ công viên sẽ được lát nền, bao gồm vỉa hè, lối đi, và khu vực sinh hoạt tập thể với tổng diện tích 4.958m². Không gian xanh cũng được chú trọng, với 1.731m² dành cho cây xanh, thảm cỏ và hoa trang trí, tạo nên một môi trường xanh mát. Hệ thống tưới nước hiện đại với ống dẫn dài 375m và hệ thống thoát nước tiên tiến sẽ được lắp đặt để đảm bảo sự bền vững của công trình. Bên cạnh đó, 28 trụ đèn chiếu sáng và đèn led trang trí sẽ được lắp đặt, tạo nên một không gian thoáng đãng, an toàn cho người dân và du khách khi đến tham quan.

Về Dự án cải tạo, nâng cấp công viên Đồi Dương (giai đoạn 1), Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu TP. Phan Thiết hoàn thiện thiết kế, phát huy giá trị công viên biển, đảm bảo công năng, thẩm mỹ và hiệu quả sử dụng. Dự án cần đồng bộ với tuyến đường ven biển qua trung tâm TP. Phan Thiết, nhanh chóng hoàn tất thủ tục để khởi công trong quý I/2025.

THANH DUYÊN


(3) Bình luận
Bài liên quan
Vì sao dừng còi hụ trên Tháp nước?
BTO- Để trả lời câu hỏi này, những ngày qua chúng tôi đã đi tìm hiểu nguyên nhân và trao đổi ý kiến với nhiều ngành chức năng. Qua đó mới hiểu không phải tự nhiên dừng còi hụ trên tháp nước Phan Thiết.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thêm điểm nhấn cho thành phố biển Phan Thiết