110 học sinh đạt kết quả cao trong học tập và rèn luyện các khối lớp vừa được Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Du tổ chức tham quan trải nghiệm tại điểm Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm huyện Bắc Bình. Sau khi thăm khu trưng bày các hiện vật, tìm hiểu những văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm: di sản văn hóa hoàng tộc Chăm, các nhạc cụ truyền thống, sản phẩm gốm và dệt thủ công; các nông, ngư, cụ truyền thống và các bức ảnh về đời sống văn hóa của người Chăm…; Học sinh được hướng dẫn viên Trung tâm thuyết minh và giới thiệu sâu vào các nội dung như ý nghĩa của lễ hội Katê của người Chăm Bàlamôn từ đền tháp cho đến làng và gia đình; giới thiệu những hiện vật tại phòng trưng bày hoàng tộc Chăm Po Klaong Mânai và Pô Nit vào giai đoạn thế kỷ thứ 17…
Huyện Bắc Bình có nhiều người Chăm sinh sống từ lâu đời, dân tộc Chăm nơi đây có một chuỗi hệ thống lễ nghi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa dân gian qua hàng trăm lễ hội, lễ nghi còn lưu giữ đến ngày nay. Kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể của người Chăm rất đặc sắc và đa dạng. Ngoài có tiếng nói, chữ viết riêng, có trang phục và phong tục thờ cúng thì các loại hình nghệ thuật ca, múa dân gian Chăm là phần không thể thiếu được trong đời sống tinh thần. “Trong không gian khu trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận với nhiều hiện vật cổ vật có giá trị, các em sẽ trau dồi thêm kiến thức, trải nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ cũng như bảo vệ các di vật, cổ vật, di tích lịch sử - văn hóa dân tộc”, cô Võ Thị Mỹ Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết.
Học sinh tự tay trải nghiệm dệt thổ cẩm
Phần trải nghiệm thích thú nhất của các em học sinh là được giao lưu với các nghệ nhân người Chăm, trực tiếp quan sát các nghệ nhân thực hiện thao tác để chế tác ra những sản phẩm truyền thống như dệt thổ cẩm, làm đồ gốm. Được các nghệ nhân tận tình chỉ dẫn, nhiều em say mê khi được tự tay làm nên những sản phẩm gốm ngộ nghĩnh, sinh động theo ý thích của mình. Cũng từ hoạt động tự trải nghiệm này, các em hiểu những công đoạn làm ra những sản phẩm truyền thống từ dệt mảnh vải thổ cẩm cho đến các đồ vật bằng gốm mộc mạc. Cũng như hiểu được giá trị sản phẩm và đặc thù của nghề lao động thủ công là để có được sản phẩm thủ công ngoài bàn tay khéo léo phải cần có sự chăm chút, tỉ mỉ, sáng tạo mới tạo ra được sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt, từ đó thêm trân quý sản phẩm và giá trị của lao động.
Điểm đến tiếp theo là tham quan danh lam thắng cảnh: Bãi đá bảy màu tại xã Bình Thạnh (Tuy Phong), Bàu Trắng thuộc xã Hòa Thắng (Bắc Bình). Một học sinh trong đoàn phấn khởi nói: “Em rất vui khi được tận mắt chiêm ngưỡng một bãi đá rộng lớn với hằng hà sa số các viên đá nhiều màu sắc chạy dọc bờ biển. Em và các bạn ai cũng thích thú với cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú này tại quê hương mình”. Điểm kết thúc chuyến trải nghiệm là khu du lịch Bàu Trắng đã để lại những ấn tượng khó quên trong lòng mỗi học sinh. Bởi hiếm ở đâu mà giữa mênh mông cát trắng lại có 2 bàu nước Bàu Ông, Bàu Bà rộng lớn như nơi đây. Không những thế, đây là dòng nước ngọt, trong vắt, mát lạnh mặc dù ở rất gần biển. Thắng cảnh Bàu Trắng là một trong những điều kỳ thú với đồi cát trắng mênh mông, rì rào gió thổi ôm trọn dòng nước mát vào lòng của mảnh đất quê hương Bình Thuận.
Uyên Thư