Theo dõi trên

Theo chân những chứng nhân lịch sử

01/02/2018, 14:02

BT- Theo con số thống kê của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận, tính từ năm 1984 đến nay công tác biên soạn lịch sử truyền thống cách mạng trong toàn tỉnh đã có 197 công trình. Trong đó 10 huyện, thị, thành phố và 54 xã, phường đã biên soạn các thời kỳ từ năm 1930 đến xây dựng và phát triển. Nếu tính số lượng ấn phẩm có thể cao hơn do nhiều địa phương đã tiếp tục bổ sung, tái bản. Có thể coi tập Sơ thảo lịch sử Đảng bộ tỉnh Thuận Hải thời kỳ 1930 - 1945 xuất bản năm 1984 là công trình biên soạn đầu tiên của tỉnh, lúc ấy bao gồm cả Ninh Thuận - Bình Thuận và cho đến 10 năm sau mới hoàn chỉnh tập I - Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận thời kỳ 1930 -1954.

Đằng sau hàng vạn trang chữ ghi dấu những chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng và thời kỳ xây dựng, đổi mới của địa phương với biết bao công sức đầu tư, nâng niu từng tư liệu để tái hiện những sự kiện bi hùng của các thế hệ trải dài hàng trăm năm, tôi may mắn được tiếp cận với lĩnh vực vừa khó khăn nhưng cũng có nhiều cảm xúc này. Năm 1983, tỉnh Thuận Hải triển khai công tác biên soạn lịch sử đảng bộ các huyện, thị và có lẽ huyện Hàm Thuận và Hàm Tân đã sớm tổ chức thực hiện trong điều kiện còn nhiều hạn chế và mới mẻ. Tại Hàm Tân, ông Trần Văn Tình vừa thôi nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy được mời giữ vai trò trực tiếp thực hiện công tác này. Như một người ghi chép cần mẫn, tôi với chiếc máy cát-sét cũ và giấy bút luôn bên cạnh ông, một con người mẫu mực, liêm chính - mấy bận đi đây đó trong tỉnh, rồi rong ruổi chặng đường đèo dốc lên Bảo Lộc, Đà Lạt, Phan Rang, Bắc Bình… để tiếp xúc những nhân chứng lịch sử có một thời giữ vai trò lãnh đạo ở Hàm Tân, hầu như đều đang ở vào tuổi về chiều, bệnh tật vì di chứng chiến tranh.

Tôi mãi nhớ lần hội nghị mở đầu triển khai công tác biên soạn trở thành một cuộc hội ngộ lịch sử, với những nhân vật từng gắn bó với phong trào cách mạng địa phương sau bao năm gặp lại. Hình ảnh các ông Trương Cừu, Lê Văn Ba (Ba Lệ), tướng Năm Châu, Phan Đăng Quế (Cửu Long) thời kháng chiến chống Pháp cùng những cán bộ cốt cán giai đoạn khởi động cuộc kháng chiến chống Mỹ mang biệt danh trong bí mật “Tiên, Tri, Thiên, Hạ, Sự, Tình”... Tư liệu ghi chép khá hiếm hoi, những báo cáo của Huyện ủy Hàm Tân và một số văn bản lưu giữ tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng của tỉnh với những tờ giấy in, bản viết tay bị ố vàng, có những trang mờ nét chữ và không ít cũng đã thấm máu trong cuộc chiến được cất giữ từ những thùng đạn đại liên, hủ gốm sành… Phương tiện photocopy chưa có, phải tranh thủ ghi chép lại. Phức tạp nhất là thời kỳ trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/1930, những tài liệu, mật báo của Tòa công sứ Bình Thuận vẫn còn nhưng bằng tiếng Pháp chưa được dịch ra tiếng Việt, dù trong đó có nhiều tư liệu liên quan đến phong trào cách mạng dưới góc nhìn và quy mô đánh phá của địch. Tôi nhớ không lầm, những người có mặt khá sớm trong bộ phận nghiên cứu lịch sử Đảng của tỉnh mà tôi được gặp là các ông Nguyễn Ngọc Chước, Nguyễn Phước Lộc… nay vẫn còn bút tích trên những hồ sơ tư liệu xác minh lịch sử Đảng Bình Thuận từ những năm 1976-1977  và các tập tự thuật hồi ký của các ông Đỗ Đơn Thơ, Hứa Tự  An, Ngô Quang Minh là những cán bộ lãnh đạo huyện Hàm Tân tập kết ra Bắc hồi năm 1954, như có sự chuẩn bị được viết từ năm 1972 để thuận lợi cho công tác lịch sử Đảng sau này…

Khó khăn trong công tác sưu tầm tư liệu cần làm rõ, chính xác về sự hình thành chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh tại làng Tam Tân (La Gi). Với công trình biên soạn của tỉnh có những yêu cầu cao hơn nhưng với cấp huyện, xã lại phải phản ánh chi tiết về từng sự kiện, phong trào quần chúng. Như viết về cuộc đời sự nghiệp của thầy giáo Ngô Đức Tốn vào Tam Tân dạy học và khởi động việc hình thành Phản đế đồng minh hội để tiến tới thành lập chi bộ Đảng tại đây. Những biên bản tọa đàm ngay sau ngày giải phóng với 2 đảng viên chi bộ Tam Tân lúc đó còn sống là các cụ Lê Chạy (Ba Chạy), Nguyễn Hữu Lợi (Năm Ngưu) được ghi chép khá tỉ mỉ theo lời kể. Do nhân chứng tuổi cao, trí nhớ giảm nên việc phân tích, xử lý những nguồn tư liệu như thế này đòi hỏi phải thật sự khoa học, liên hệ đến bối cảnh xã hội bấy giờ. Chính vì vậy mà các cuộc hội thảo biên niên sự kiện lịch sử Đảng của Bình Thuận giai đoạn 1930 - 1954 mới đây vẫn phải xác định lại về thời gian của các sự kiện và khẳng định vai trò chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh thành lập vào đầu năm 1931.

Nhắc đến những ngày đầu triển khai công tác nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện Hàm Tân với không ít bỡ ngỡ, khó khăn nhưng đầy ấn tượng về những con người có một cuộc đời hết sức can trường, trung kiên vì sự nghiệp giải phóng đất nước, quê hương. Chắc chắn các huyện, thị trong tỉnh cũng gặp phải những khó khăn, nhưng mỗi nơi mỗi khác. Qua đó, với những công trình lịch sử địa phương, các ngành của tỉnh đã làm được mang một ý nghĩa chính trị và đầy ắp tính nhân văn đối với vùng đất, con người của địa phương.

PHAN CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Theo chân những chứng nhân lịch sử