Trong 6 giờ vừa qua, bão số 9 có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam, ở huyện đảo Phú Quý đã có gió giật mạnh cấp 7. Hồi 4 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 110km, cách Phan Thiết khoảng 210km, cách Vũng Tàu khoảng 300km, cách Ba Tri 340km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Như vậy, tỉnh Bình Thuận nằm ở phía Bắc của cơn bão, các huyện ven biển bị ảnh hưởng trực tiếp của nước dâng, triều cường, sóng cao, mưa to và sạt lở xảy ra là rất cao. Để chủ động ứng phó khẩn cấp với bão số 9, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh yêu các địa phương ven biển kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình nước dâng, triều cường và sóng mạnh ven biển, huy động các phương tiện, lực lượng triển khai ngay thực hiện việc di dời dân ở những vùng xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp của bão, nước dâng, sạt lở đến nơi an toàn; thời gian xong trước 12 giờ ngày 24/11.
Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi kiểm tra, sẵn sàng vận hành các hồ chứa nước để đảm bảo an toàn khi mưa lớn; đặc biệt lưu ý hồ chứa nước sông Quao. Phải thông báo ngay cho chính quyền và người dân vùng hạ lưu biết trước khi điều tiết qua tràn để chủ động sơ tán, đảm bảo an toàn về người và tài sản vùng hạ du công trình.
K.H