Đồng thời thông tin thêm, đến nay ngành đã phối hợp Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông xúc tiến triển khai thử nghiệm đạt kết quả tốt phần mềm gửi - nhận văn bản điện tử doanh nghiệp đến Sở Công Thương như đơn vị VNPT Bình Thuận (phần mềm iOffice).
Được biết, việc tổ chức thí điểm gửi - nhận văn bản điện tử xuất phát từ thực trạng những năm gần đây, các doanh nghiệp gửi văn bản giấy thông qua đường bưu chính đến Sở Công Thương khá nhiều. Chỉ tính riêng 3 quý đầu năm 2024, ngành Công Thương địa phương tiếp nhận văn bản bản giấy từ doanh nghiệp gửi đến là 3.372/10.411 văn bản, chiếm tỷ lệ 32,39%. Điều này cho thấy số lượng văn bản giấy còn khá lớn, dẫn đến phát sinh chi phí của doanh nghiệp khi gửi văn bản qua đường bưu chính. Ngoài ra, thời gian tiếp nhận văn bản giấy của Sở Công Thương gửi đến doanh nghiệp cũng chậm và tiềm ẩn nguy cơ thất lạc văn bản giấy khi gửi. Thêm vào đó, công tác tiếp nhận văn bản giấy cũng như thực hiện số hóa trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của Sở Công Thương sẽ tốn nhiều thời gian…
Do vậy để tiếp tục triển khai nội dung này, Sở Công Thương Bình Thuận đề nghị các doanh nghiệp trên lĩnh vực ngành phối hợp cung cấp thông tin nhằm kịp thời tổng hợp, qua đó tổ chức giới thiệu, tập huấn sử dụng phần mềm gửi - nhận văn bản điện tử trong thời gian tới.