Theo dõi trên

Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS - dấu mốc lớn trong hợp tác quân sự

16/03/2023, 16:18

Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân được đánh giá là một dấu mốc lớn trong hợp tác quân sự giữa Mỹ, Anh và Australia.

Ngoài giá trị kinh tế, thỏa thuận còn mang ý nghĩa chiến lược lớn đối với Australia. Tuy vậy hiện tại trong dư luận nước này đang xuất hiện một số lo ngại đối với thỏa thuận này.

Việc trang bị tàu ngầm mới là vấn đề cấp thiết đối với Australia khi hạm đội tàu ngầm gồm 6 chiếc chạy bằng diesel lớp Collins đang phải duy tu, bảo dưỡng để kéo dài thời hạn sử dụng đến những năm 2030. Tuy vậy, thỏa thuận mua 3 tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ và tự đóng mới 8 tàu ngầm thế hệ mới SSN AUKUS của Australia lại đang đặt ra một số vấn đề khiến dư luận nước này lo ngại.

a_tu_trai.jpg
(Từ trái qua) Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Nguồn: Getty

Nguồn kinh phí đầu tư

Lo ngại đầu tiên đó là về vấn đề kinh phí. Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết kế hoạch trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này có giá trị lên đến 368 tỷ AUD. Điều này có nghĩa là trong khoảng 3 thập kỷ tới, mỗi năm, nước này sẽ phải trích 0,15% GDP để chi cho dự án này bao gồm cả việc đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm và duy trì hoạt động của các tàu ngầm. Và đây là khoản tiền không nhỏ đối với Australia.

Vấn đề mà các đảng phái chính trị và người dân nước quan tâm là chính phủ sẽ phải thu xếp thế nào để có đủ nguồn tài chính cho dự án này và những dự án nào sẽ phải cắt giảm để giành tiền cho dự án này. Hiện tại dư luận Australia cho rằng chính phủ nước này có thể sẽ phải lấy tiền từ các dự khác quốc phòng khác, cắt giảm trợ cấp cho người khuyết tật và có thể là cắt giảm cả kinh phí cho ngành y tế, nhà ở và một số dịch vụ khác nữa.

Bên cạnh đó, cựu Thủ tướng Australia Malcom Turnbull hôm nay (16/3) cũng cho biết, nhiều khả năng, chi phí cho dự án này trên thực tế sẽ cao hơn nhiều so với con số ước tính vì thế không loại trừ khả năng số tiền chi cho dự án này sẽ nhiều hơn con số 368 tỷ AUD.

An toàn hạt nhân, xử lý rác thải hạt nhân

Lo ngại thứ hai đang tồn tại ở Australia chính là vấn đề an toàn hạt nhân và xử lý rác thải hạt nhân. Trong thỏa thuận trang bị tàu ngầm vừa đạt được với Australia, “Anh và Mỹ cam kết cung cấp toàn bộ vật liệu hạt nhân đồng thời cho biết các tổ máy điện hạt nhân không cần tiếp nhiên liệu trong suốt thời gian sử dụng tàu ngầm”. Cam kết này cho thấy có thể Australia không tham gia vào quá trình chế tạo các tổ máy điện hạt nhân nên dường như không cần lo ngại quá nhiều về vấn đề an toàn hạt nhân trong quá trình này. Tuy vậy rủi ro vẫn có thể xuất hiện trong quá trình lắp đặt, sử dụng tại Australia cũng như việc xỷ lý nhiên liệu hạt nhân khi tàu ngầm hết hạn sử dụng.

Trong thỏa thuận Australia cũng đã cam kết “quản lý tất cả chất thải phóng xạ được tạo ra trong chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, bao gồm cả nhiên liệu nhân đã qua sử dụng” tại nước này. Điều này có nghĩa là Australia sẽ cần có cơ sở để xử lý các chất thải này cũng như nhiên liệu hạt nhân trên các tàu đã hết hạn sử dụng.

Liên quan đến vấn đề này, hôm qua, lãnh đạo các bang Victoria, Queensland, Nam Australia đã gửi đi tín hiệu về việc không muốn xây dựng cơ sở xử lý rác thải hạt nhân tại bang của mình. Hôm nay, Thủ hiến bang Tây Australia Mark Gowan cũng thẳng thừng từ chối khả năng xây dựng cơ sở xử lý rác thải hạt nhân tại bang này và cho rằng, khu vực đất quốc phòng rộng lớn nằm ở Woomera thuộc phía Tây Bắc bang Nam Australia là địa điểm thích hợp nhất cho các cơ sở này.

Khả năng thực hiện dự án đúng tiến độ

Trong thỏa thuận trang bị tàu ngầm mà Australia vừa đạt được với Anh và Mỹ, ban đầu, nước này sẽ mua 3 tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ và tàu đầu tiên có thể được chuyển giao vào năm 2033 để kịp thay thế tàu ngầm lớp Collins hết hạn sử dụng vào cùng thời điểm. Trong lúc này, Australia cũng chuẩn bị để có thể tự chế tạo 8 tàu ngầm thế hệ mới SSN AUKUS do Anh thiết kế và sử dụng công nghệ Mỹ.

Tuy nhiên, hôm nay, cựu Thủ tướng Australia Malcom Turnbull cho biết sự tham gia của Anh trong dự án này đang khiến ông lo ngại bởi 2 lý do.

Thứ nhất, Anh không phải là một quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thế nước này không có lợi ích quân sự hoặc lãnh thổ lâu dài trong khu vực, nơi mà họ đã rút đi cách đây hơn 60 năm. Vì thế xét trên khía cạnh lợi ích chiến lược, Anh không có nhiều sự thôi thúc cần phải tích cực trong dự án này.

Thứ hai, trên khía cạnh kinh tế, dự án này đòi hỏi khoản đầu tư lớn để triển khai. Cho dù trên thực tế tàu ngầm SSN AUKUS đang được Anh thiết kế, Australia cũng sẽ phải chi trả cho Anh những khoản tiền nhất định song vì bản thân nước này đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế nên không loại trừ việc giải ngân từ phía Anh có thể sẽ gặp những trở ngại nhất định. Và vì Anh không có lợi ích chiến lược trong khu vực nên sự thôi thúc để vượt qua những thách thức về kinh tế là không nhiều nên dễ khiến nước này cắt bớt khoản chi cho dự án, đặc biệt khi nhiều lĩnh vực khác có nhu cầu cao và cấp thiết hơn.

Australia, Mỹ và Anh chỉ mới công bố một số vấn đề cơ bản về thỏa thuận trang bị tàu ngầm cho Australia và hiện còn rất nhiều chi tiết cụ thể về thỏa thuận chưa được công bố và cần được các bên tiếp tục thảo luận. Về phía nội bộ Australia, nước này cũng đang trong quá trình chuẩn bị về mặt nhân sự và cơ sở hạ tầng liên quan vì thế nhiều chi tiết cũng chưa có giải pháp hoặc chưa được công bố. Dư luận Australia kỳ vọng, trong thời gian tới, khi chính phủ công bố bản đánh giá tổng thể lực lượng quốc phòng cũng như kế hoạch ngân sách cho năm tài chính 2023-2024, một số các khúc mắc trong số này sẽ được dần được sáng tỏ.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Colombia thu giữ 3 tàu bán ngầm chuyên vận chuyển ma túy
Thông tin từ tình báo quân đội cho thấy những chiếc tàu ngầm này thuộc về các lực lượng có tên gọi Bộ Tư lệnh Segunda Marquetalia và Bộ chỉ huy điều phối phương Tây.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS - dấu mốc lớn trong hợp tác quân sự