Công tác này ngày càng được địa phương quan tâm khi mà không ít tiềm năng, lợi thế của Bình Thuận khẳng định sức cạnh tranh, tiếp tục hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước. Trước khi dịch Covid - 19 bùng phát lây lan trên toàn cầu, UBND tỉnh từng phối hợp tổ chức thành công 2 hội nghị xúc tiến đầu tư (năm 2017 và 2019) với sự hiện diện của những người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. Thông qua đó đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 29 dự án với tổng mức đầu tư hơn 55.000 tỷ đồng, ngoài ra ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư 33 dự án với tổng mức đăng ký khoảng 517.778 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, số lượng dự án đầu tư mà Bình Thuận thu hút trong những năm trước đây có chiều hướng tăng dần và ổn định: Năm 2014 có 79 dự án, năm 2015 là 83 dự án, năm 2016 mời gọi được 94 dự án. Đến năm 2017, địa phương tiếp tục thu hút 126 dự án, năm 2018 có 124 dự án... Tuy nhiên kể từ năm 2020 do tác động tiêu cực của dịch Covid - 19, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn nên kết quả đạt được chưa như mong đợi.
Đặc biệt hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển đột phá mạnh mẽ, thể hiện điểm nhấn nổi bật thông qua mức tăng trưởng cao của nhóm ngành sản xuất - phân phối điện. Đây cũng là nhóm ngành đang đóng góp nhiều nhất vào giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2021) của tỉnh, dù toàn ngành ít nhiều bị ảnh hưởng chung từ tình hình dịch bệnh. Theo số liệu thống kê mới nhất, giá trị sản xuất công nghiệp Bình Thuận trong 7 tháng qua đạt hơn 21.000 tỷ đồng thì sản xuất - phân phối điện đã đóng góp xấp xỉ 10.200 tỷ đồng, tiếp đến nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo là 9.726,2 tỷ đồng và công nghiệp khai khoáng 987,5 tỷ đồng...
Kết quả có được là nhờ địa phương tập trung phát huy lợi thế, thu hút và khai thác đa dạng các nguồn năng lượng với nhiều công trình, dự án điện trọng điểm. Hiện toàn tỉnh đã có 42 nhà máy điện vận hành, phát điện với tổng công suất 6.285,38 MW, gồm: 4 nhà máy nhiệt điện than tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (4.284 MW), 7 nhà máy thủy điện (819,5 MW), 4 nhà máy điện gió (100 MW), 26 nhà máy điện mặt trời (1.071,88 MW, tương đương 1.346,7 MWp) và 1 nhà máy điện diesel (công suất 10 MW tại huyện đảo Phú Quý). Từ nguồn năng lượng hiện có, Bình Thuận không những đảm bảo cung cấp đủ điện năng phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bên cạnh mời gọi và tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước, thời gian qua địa phương cũng chủ động tìm kiếm các giải pháp tăng cường quảng bá tiềm năng, lợi thế ra bên ngoài. Có thể nói, hầu hết dự án thuộc các lĩnh vực lợi thế của Bình Thuận được triển khai thực hiện hoàn thành, đưa vào hoạt động trên địa bàn tỉnh đều phát huy hiệu quả đầu tư. Dự báo sắp tới đây khi tuyến đường cao tốc, đường ven biển, cảng hàng không... được hình thành, địa phương sẽ thêm cơ hội và sức cạnh tranh để tiếp tục mời gọi thành công những dự án trọng điểm, từ đó góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà vươn lên xứng tầm.
Đ.QUỐC