Bài toán thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Vượt qua không ít khó khăn, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng đảm bảo chất lượng, an toàn và nâng cao giá trị gia tăng, đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng lợi thế. Kết quả ấy có thể nhìn nhận được từ sự đổi thay sắc xanh từ vùng đất nắng gió, khô hạn trước đây, nay đã hình thành không ít các trang trại, vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế, chất lượng cao như dưa lưới, nho… được ứng dụng sản xuất theo hướng công nghệ cao, hữu cơ.
Đơn cử tại các huyện như Bắc Bình, Tuy Phong, đã và đang thu hút được một số doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư những trang trại trồng nho, dưa lưới, thanh long, rau theo hướng công nghệ cao, hữu cơ như Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tân Đông, chủ yếu trồng các loại cây rau màu với diện tích 11 ha/6 nhà màng; Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp xây dựng thép Tiên Phong Bình Thuận trồng dưa lưới, các loại rau với 20 ha/80 nhà màng; Công ty TNHH Soleil Farm trồng dưa lưới, các loại rau với 6 ha/26 nhà màng. Ngoài ra, còn có các hộ cá nhân thực hiện đầu tư với 17 ha/162 nhà màng/30 hộ dân (trồng dưa lưới). Hay như trang trại Bình An (Thuận Quý, Hàm Thuận Nam) với diện tích khoảng 100 ha, hiện trồng 3 loại cây chính là thanh long, nho và dưa lưới theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đáng chú ý, thời gian qua, trang trại này thu hút được khá nhiều du khách trong và ngoài tỉnh với mô hình sản xuất nông nghiệp hướng công nghệ cao, chất lượng sạch kết hợp du lịch nông nghiệp… Đây cũng chính là mô hình đang được một số trang trại, doanh nghiệp chú trọng.
Tuy vậy, ngành nông nghiệp tỉnh cũng nhìn nhận một số khó khăn còn nổi lên cần được tháo gỡ đó là liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp và việc thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều. Cùng với đó là khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản trên thị trường chưa cao. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu.
Những hạn chế này, cần nhắc đến vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) Bình Thuận với diện tích trên 2.000 ha, được đầu tư xây dựng tại các xã, thị trấn gồm Lương Sơn, Sông Lũy, Bình Tân và Hòa Thắng thuộc huyện Bắc Bình (UBND tỉnh đã có Quyết định số 2059/QĐ-UBND ngày 10/8/2018, phê duyệt đề án thành lập Vùng NNƯDCNC). Đây là dự án có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, khi hình thành có ý nghĩa quan trọng góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo sự lan tỏa đến nhân dân, các thành phần khác và các vùng trong tỉnh phát triển. Có thể thấy, khu vực vùng NNƯDCNC Bình Thuận có vị trí thuận lợi gần quốc lộ 1A, sân bay Phan Thiết, cảng Vĩnh Tân, nhưng hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ… Quan trọng hơn hết vẫn là khó khăn về nguồn vốn, nhất là đầu tư trong nông nghiệp thường cần vốn lớn nên cũng là trở ngại đối với các doanh nghiệp.
Tìm hướng “mở”
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, hiện nay tỉnh Bình Thuận có 253 dự án nông nghiệp, trong đó có 14 dự án nông nghiệp công nghệ cao. Mặc dù tỉnh chưa ban hành chính sách riêng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng NNƯDCNC tại huyện Bắc Bình, nhưng để mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực lớn mạnh đầu tư vào vùng NNƯDCNC, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư được hưởng các chính sách theo quy định. Với mục tiêu tạo sức bật, đột phá của ngành nông nghiệp thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời ưu đãi các nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào sản xuất NNƯ DCNC với những cây trồng vật nuôi thích hợp để nhân rộng và liên kết với doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào khu vực thông qua các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư…
Bên cạnh đó, để tập trung các chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, Bình Thuận sẽ khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, ưu tiên các dự án công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chương trình xúc tiến đầu tư theo trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và manh mún. Song song, thực hiện có hiệu quả, tăng cường tuyên truyền, thông tin đến doanh nghiệp và nhà đầu tư các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên kết sản xuất, chuỗi giá trị và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, tín dụng, đất đai… nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của nông nghiệp tỉnh Bình Thuận, nhất là các sản phẩm thế mạnh như thanh long, tôm giống, chế biến thủy sản, lúa, một số cây ăn trái có giá trị, có chất lượng cao và uy tín trên thị trường. Ngoài ra, tỉnh chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc…
Từ những kết quả khởi đầu, cùng sự khơi mở các chính sách thu hút đầu tư thời gian tới, kỳ vọng kinh tế của tỉnh nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng trên địa bàn sẽ không ngừng khởi sắc.
Theo danh mục các dự án dự kiến ưu tiên huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của UBND tỉnh cho thấy, ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản sẽ có 15 dự án. Đơn cử như dự án đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án đầu tư hạ tầng Khu phức hợp phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao Sông Bình; Dự án đầu tư hạ tầng Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao (Tuy Phong); Dự án vùng phát triển thanh long theo hướng ứng dụng công nghệ cao theo quy trình GlobalGAP, VietGAP; Dự án đầu tư phát triển vùng lúa chất lượng cao xuất khẩu (Đức Linh); dự án phát triển chăn nuôi bò thịt tập trung; dự án trồng cây dược liệu, thực phẩm chức năng…