Xung quanh vấn đề này, dư luận cũng có những ý kiến trái chiều. Có người thắc mắc: Chính quyền vừa mở chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nay lại cho thuê vỉa hè thu phí là sao?
Để xe chiếm dụng vỉa hè. Ảnh minh họa |
Thực ra theo Luật Phí và lệ phí 2015 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 25/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, thì Quốc hội giao cho HĐND tỉnh/thành phố ban hành mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.
Ở Bình Thuận, trước đây việc thu phí sử dụng lòng đường, hè phố đã được thực hiện theo Quyết định số 72/2007/QĐ-UBND ngày 5/11/2007 của UBND tỉnh.
Việc sử dụng lòng đường, vỉa hè vốn là một nhu cầu rất lớn ở các đô thị (không riêng ở Việt Nam mà cả trên thế giới), đồng thời cũng là nguồn thu ngân sách của các đô thị.
Nhưng lâu nay việc quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố ở các đô thị chưa tốt, nhất là quản lý các hộ, cá nhân buôn bán trên lòng đường, hè phố, dẫn tới ách tắc giao thông, mất trật tự an toàn và thất thu ngân sách. Tình trạng chiếm dụng vỉa hè, thậm chí “bảo kê” vỉa hè kéo dài, dù chính quyền đã nhiều lần phát động “ra quân” dọn dẹp.
Do đó việc thu phí đối với lòng đường, hè phố cũng là một công cụ góp phần quản lý đô thị, đồng thời việc phải nộp phí cũng góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân.
Có ý kiến cho rằng: Vỉa hè cũng là một tài sản công, việc cho thuê những vỉa hè, lòng đường mà không ảnh hưởng gì đến giao thông đô thị và người đi bộ, lại tăng thu cho ngân sách thì nên làm, vừa bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp.
Mức thu phí sử dụng lòng đường, hè phố ở Bình Thuận mà dự thảo nghị quyết đề xuất là: 2.000 đồng/m2/ngày hoặc 60.000 đồng/m2 /tháng (đối với các phường), và 1.500 đồng/m2/ngày hoặc 45.000 đồng/m2/tháng (đối với thị trấn).
Mức thu phí trên bằng với mức thu được quy định trong Quyết định số 72 ngày 5/11/2007 của UBND tỉnh, và cũng tương đồng với các địa phương lân cận, có hoàn cảnh kinh tế - xã hội tương đồng.
Được biết hiện các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã và đang tăng phí sử dụng vỉa hè, lòng đường lên gấp nhiều lần.
Do ở thành phố nguồn thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè sẽ cao hơn các huyện - thị xã, nên dự thảo nghị quyết quy định chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng số tiền phí thu được như sau:
Đối với TP. Phan Thiết được để lại 50% trên tổng số phí thu được để trang trải chi phí hoạt động thu phí, phần còn lại nộp ngân sách. Đối với thị xã La Gi được để lại 60%, đối với các huyện được để lại 70%, phần còn lại nộp ngân sách.
Đối với các tổ chức - cá nhân trúng đấu giá thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố thì định kỳ phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá theo tiến độ thu (đã thỏa thuận trong hợp đồng) vào ngân sách.
Như vậy sắp tới, chỉ trừ một số đối tượng được miễn nộp phí theo quy định, tất cả các tổ chức - cá nhân khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố vào mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh sẽ phải nộp phí theo luật định.
Dư luận hy vọng chủ trương thu phí sử dụng lòng đường, hè phố phải được triển khai thực hiện một cách công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt của HĐND các cấp. Nguồn phí thu được phải dành tỷ lệ thích đáng đầu tư cải tạo lòng lề đường và hạ tầng giao thông đô thị được tốt hơn.
Khôi Nguyên