Theo dõi trên

Thực hiện 3 trụ cột theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV:

25/01/2021, 10:37

Phát triển hệ thống thủy lợi để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp

BT- Để thực hiện mục tiêu đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã khẳng định: Nhiệm kỳ tới sẽ tập trung phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuỗi giá trị, đó là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Đối với nông nghiệp, tỉnh tiếp tục dành nguồn lực của địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để phát triển hệ thống thủy lợi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành những vùng chuyên canh lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến…  

Tạo đà để phát triển nông nghiệp

Những năm qua, mạng lưới thủy lợi trên địa bàn tỉnh phát triển đồng bộ, đặc biệt là hệ thống kênh mương nội đồng phát triển khá hoàn chỉnh đã tạo đà cho phát triển nông nghiệp của tỉnh. Nhờ phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi đã được đầu tư, kinh tế của tỉnh nói chung, nhất là kinh tế nông nghiệp đã có bước phát triển đáng kể, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống nông dân ổn định hơn. Với mục tiêu của tỉnh là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại, muốn vậy trước hết nông nghiệp và nông thôn phải phát triển lên một trình độ mới bằng việc đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị thu được trên một đơn vị diện tích, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.

Hồ Sông Lũy. Ảnh: N.Lân

Để đáp ứng những mục tiêu đó, công tác thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phải được đặt lên hàng đầu đó là việc đảm bảo nước để ổn định sản xuất lúa, thanh long, có các giải pháp thủy lợi hiệu quả phục vụ cho cả cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm… Sau nhiều năm đầu tư, toàn tỉnh hiện có gần 50 hồ chứa nước với tổng dung tích trên 334 triệu m3, tưới cho hơn 115.600 ha, trong đó diện tích lúa cả năm 95.800 ha còn lại là tưới cho cây lâu năm. Mỗi năm cấp nước thô được hơn 32 triệu m3. Chưa dừng lại ở đó, tỉnh còn chú trọng xây dựng hệ thống kênh tiếp nước như: Hệ thống kênh tiếp nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập dài gần 40 km, phủ kín vùng chuyên canh thanh long của huyện Hàm Thuận Nam, hệ thống kênh Châu Tá dài 32 km đã đưa nước từ đập 812 về tận vùng hạn Hồng Sơn, Hồng Liêm của huyện Hàm Thuận Bắc... Để nâng cao năng lực tưới vào mùa nắng hạn, tỉnh còn đề nghị xây dựng thêm hệ thống kênh chuyển nước như kênh Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, La Gi; hồ Sông Dinh, hồ Núi Đất, Biển Lạc – Tân Hà… Những kênh này có nhiệm vụ chuyển nước dư từ vùng thừa sang vùng thiếu. Cùng với nhiệm vụ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, các công trình thủy lợi còn tham gia vào việc giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh cũng như phục vụ nhu cầu của các ngành kinh tế khác. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh hiện nay là 312.967 ha, riêng cây lúa là 51.861 ha, bắp 20.354 ha, cây thanh long 26.000 ha… Để ứng phó với tình trạng khô hạn về lâu dài, Chính phủ đã đồng ý cho đầu tư xây dựng thêm hồ Sông Lũy tại huyện Bắc Bình, hồ La Ngà 3 tại huyện Tánh Linh và hồ Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, trong đó hồ Ka Pét đã được Quốc hội thông qua với dung tích 51,21 triệu m3, dự kiến tích nước vào năm 2023, còn hồ Sông Lũy với dung tích thiết kế trên 100 triệu m3 hiện đang thi công. Nhờ các biện pháp thủy lợi và các biện pháp nông nghiệp khác nên những năm gần đây sản lượng lương thực trên địa bàn tỉnh tăng khá cao so với trước đó.

Đến việc phát triển thủy lợi nhỏ

Thực hiện Chỉ thị số 39 ngày 23/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo phát động sâu rộng phong trào thi đua làm thủy lợi nhỏ, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ đến năm 2020 với mục tiêu chung là, bên cạnh việc kiên cố hóa kênh mương nội đồng sẽ tập trung phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đồng bộ nhằm khai thác, tận dụng tốt nhất nguồn nước hiện có để phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng thêm diện tích tưới chủ động, thúc đẩy quá trình thâm canh tăng vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước, tạo sự chuyển biến nhanh và bền vững trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị trên địa bàn toàn tỉnh. Đầu tư xây dựng mới khoảng 164,5 km kênh nội đồng và phấn đấu tăng diện tích đất nông nghiệp được tưới là 5.270 ha. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đã huy động sức dân thực hiện phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Từ đó đã khai thác, sử dụng nguồn nước hiệu quả từ các công trình thủy lợi đã được Nhà nước đầu tư, tập trung ưu tiên làm các kênh mương nội đồng, đập dâng nước ở những vùng có nguồn nước bổ sung ổn định nhằm từng bước làm thay đổi tình hình sản xuất, từ sản xuất không ổn định, bấp bênh sang sản xuất ổn định thâm canh, tăng vụ, nâng cao giá trị sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân.

Kênh mương nội đồng ở Hàm Thuận Bắc. Ảnh: N. Lân

 Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung đầu tư phát triển công trình thủy lợi nhỏ và thủy lợi nội đồng ở những vùng có điều kiện về nguồn nước, vùng có nguồn nước thủy lợi nhưng chưa có kênh mương nội đồng, gắn với thành lập các tổ chức dùng nước của cộng đồng hưởng lợi để quản lý, vận hành khai thác hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Về lâu dài, UBND tỉnh vừa giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đánh giá kết quả triển khai, thực hiện Đề án kiên cố hóa kênh mương nội đồng ở các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, đồng thời phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành chức năng có liên quan xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai và thực hiện các nội dung được phân công trong Kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021 - 2025…

Thanh Quang



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hiện 3 trụ cột theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV: