Theo dõi trên

Thương sao đọt muống quê nhà

19/05/2023, 05:59

Có thứ gì dân dã, gần gũi mà mãnh liệt sức sống như cây rau muống ruộng?

Mấy tháng mùa khô mặt trời thiêu đốt vạn vật, cây muống cháy khô tận gốc. Nhìn mặt đất chỉ thấy nứt toác, trụi lủi, làm gì còn dấu hiệu sinh tồn của giống cây gì đâu. Vậy mà chỉ mới rớt cơn mưa đầu mùa, vài bữa sau đã thấy ngọn muống nhú lên, xanh mơn mởn. Rồi chẳng cần ai chăm sóc, tưới tắm, chẳng cần ai bón phân, nhổ cỏ, muống cứ thế lớn nhanh như cậu bé Thánh Gióng năm nào. Muống bò trên ruộng, tới đâu mọc rễ nhánh tới đó, tranh thủ hút từng chút dưỡng chất của đất mẹ, vươn thân dài ra. Muống như người nông dân quê mình đã quen chịu cực, chịu khổ, đã quen với cái khắc nghiệt của miệt đất này, cứ vậy sinh tồn từ đời này qua đời khác, cứ vậy bám đất mà sống, mà sinh sôi.

thu-hoach-rau-muong.jpg

Tôi thương muống như thương mảnh đất này, cằn cỗi mà con người thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, xóm giềng sống chan hòa, có gì cũng chia sẻ cho nhau. Trồng được một vạt rau cũng nhổ chia hàng xóm. Dây bầu cho trái sai quằn cũng hái chia hàng xóm… Thứ gì nhà có nhiều thì điều đầu tiên là nghĩ đến chia cho hàng xóm. Bởi cái miệt quê nghèo này nó nghèo tiền nghèo bạc chứ không bao giờ nghèo tình nghèo nghĩa. Nửa đêm nửa hôm đang ngủ mà nghe đập cửa gọi nhờ chở đi bệnh viện vì con lên cơn sốt là lật đật lấy xe chở vèo cái một quên cả việc xỏ quần áo dài. Lo lắng như thể chính con mình sốt. Hay hàng xóm đi làm cả ngày mà có ai lai vãng dòm ngó nhà cửa là điện thoại cấp báo chủ nhà liền. Vậy mới nói cái tình người nơi miệt quê nó chân chất, thiệt thà dữ lắm.

Cái tình ấy nó như dây muống ruộng, bò đi tới đâu cũng ráng nảy nhánh sinh sôi, đùm bọc lấy nhau, quấn quýt lấy nhau thành đám, thành mảng. Nên chỗ nào rau muống đã sinh sôi thì khó mà có cây cỏ nào chen vô được. Hình như cái niềm khao khát đâm ngọn, nảy cành bao nhiêu tháng mùa khô nó mãnh liệt dữ lắm nên vừa mưa xuống là muống đã chen nhau bò, ngọn nào ngọn nấy căng tròn, mơn mởn. Tôi thường không gọi ngọn rau muống mà gọi là ngồng rau muống, bởi cái đọt non nó dài tít tắp lưa thưa mấy cọng lá tí xíu hà. Hái thứ ngồng rau non mướt rồi đem chiên tỏi ớt ăn cơm thì còn gì ngon bằng. Thân già thì cắt đem bằm cho gà, cho heo ăn. Chẳng hiểu rau muống có thứ chất gì bổ dưỡng mà gà ăn vào mắn đẻ, heo ăn vào mượt lông. Nhìn bầy gà đẻ trứng ngày một, đàn heo hồng hào no tròn, dân miệt quê chỉ biết tấm tắc khen cái cây rau muống mọc rài ngoài ruộng vậy mà hay thiệt hay!

Vào buổi sáng còn mờ sương, vài ba người đàn bà miệt quê đã lội ruộng cắt rau muống bó đem bán. Họ chủ yếu nhập cho lái buôn từ thành phố xuống gom rau. Dân thành phố thích ăn muống ruộng vì nó sạch sẽ không thuốc không phân mà cọng rau ăn lại giòn chứ không mềm như muống hột. Một bó rau muống to ế chỉ vài ngàn đồng thôi, vậy mà đã nuôi lớn bao thế hệ dân quê, nuôi bao nhiêu con em miệt này ăn học đại học. Bởi cây muống rất nhanh lớn, cắt ngày nay ngày mốt đã cắt lại được. Lại chẳng tốn tiền phân tiền thuốc nên dù một bó rau chỉ vài ngàn đồng mà một đợt cắt cũng thu được vài trăm. Chỉ cần chịu khó dậy thiệt sớm, đội đèn pin cắt rau rồi tảng sáng nhanh tay bó để kịp giờ nhập cho thương lái là được.

Cây muống hình như hiểu cái nhọc nhằn của người dân quê nên nó cố vươn dài thật nhanh thì phải. Vết cắt vừa khô mủ là đã thấy nảy nhánh mới. Để im cho nó uống đủ nước, hút đủ dưỡng chất một ngày là sáng hôm sau ngọn đã dài hơn gang tay rồi. Cứ thế, ngày qua ngày, cây muống cần mẫn hút dưỡng chất từ đất mẹ mà lớn, cần mẫn sinh sôi để cho dân miệt này có cái mà bán buôn, kiếm vài đồng trang trải cuộc sống. Chưa bao giờ thấy cây muống làm mình làm mẩy bệnh đau như những cây khác. Chưa bao giờ thấy cây muống than vãn vì bao nhiêu là vết cắt trên thân. Chỉ thấy một giống cây dễ chịu vô cùng, sức sống mãnh liệt vô cùng, cứ cắt ngang thân là lại nảy ra đọt mới, lại vươn dài xanh mướt mát.

Tôi nhớ thuở nhỏ hay lẽo đẽo theo ngoại bó rau muống để ngồi chợ bán. Ngoại dậy từ canh ba khi gà mới bắt đầu cất tiếng gáy báo sáng, lụi cụi ra ruộng cắt rau. Hồi đó không có đèn pin đội đầu như giờ. Ngoại cứ lần mò cắt theo trí nhớ, theo phản xạ của đôi tay. Khi ngoại gánh rau về nhà thì cũng đã lờ mờ sáng. Tôi phụ ngoại tước bớt lá cuối gốc rồi sắp bó cột thành từng bó. Dây lạt dù được ngoại chẻ nhỏ ngâm mềm vẫn cứ sắc lẹm, lơ ngơ xíu là cứa chảy máu tay liền. Thấy cháu bị chảy máu ngoại rầy rà: đã biểu để đó ngoại làm cho mà cứ lanh chanh không hà, vô ngủ đi. Dẫu ngoại đuổi chứ tôi vẫn kiên quyết giúp ngoại bó rau. Rồi ngoại lại tất tả gánh rau ra chợ để kịp buổi chợ sáng. Một buổi chợ của ngoại chỉ được chút ít tiền thôi, đủ để mua dăm con cá, dư vài đồng dành mua gạo, mắm muối. Vậy mà bao giờ ngoại cũng mua cho tôi tấm quà bánh. Thấy khuôn mặt rạng rỡ thích thú của tôi khi ăn ngoại vuốt mớ tóc cháy khét mà mắng yêu: mồ tổ cha bây, ăn từ từ thôi, cứ như chết đói không bằng.

Giờ lâu lâu lại thèm nghe được ngoại mắng, lại thèm được ngồi phụ ngoại bó rau muống mà có còn ngoại nữa đâu. Ngoại về miền mây trắng từ thuở nào rồi, chỉ còn lại cây muống ruộng là vẫn cứ sinh tồn từ năm này qua năm khác, cứ nảy nhánh mãnh liệt chẳng bao giờ tiệt được giống nòi. Ôi, thương sao ngọn muống quê nhà, thương sao một thời lam lũ, thương sao dáng ngoại gầy gầy kẽo kẹt quang gánh ráng bước thiệt nhanh cho kịp buổi sợ sớm mai…

NGÂN VY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bóng Bác trên quê hương tôi
Bác Hồ trong ký ức của nhạc sĩ Huy Sô là người lãnh tụ rất “kỳ lạ”. Người giản dị, gần gũi và thân thuộc như ông nội, ông ngoại mình vậy! 55 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên được gặp Bác, đến nay nhạc sĩ Huy Sô vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc khi nhắc lại câu chuyện này. Để rồi từ đó, những lời ca cùng nốt nhạc khi nhạc sĩ đặt bút viết về Người là sự thăng hoa của tình cảm, của sự kính trọng và lòng biết ơn đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương sao đọt muống quê nhà