Theo dõi trên

Thương yêu con công bằng

08/11/2024, 05:55

Tiếng quát lớn của người phụ nữ, cùng với tiếng khóc của đứa trẻ ngay giữa quán cà phê khiến mọi người đều phải ngoái đầu lại, đổ dồn ánh mắt vào gia đình họ. Cậu con trai nhỏ đã kéo được một món đồ gì đó từ người chị gái, với gương mặt đắc ý. Còn cô bé vừa đau vì bị em xô ngã, vừa chịu những lời mắng từ người mẹ. Tiếng càm ràm còn kéo dài sau đó vài phút, đủ để mọi người hiểu đó là câu chuyện thiên vị của cha mẹ với các con.

Rõ ràng cậu bé đã có rất nhiều món đồ chơi ở bàn mình, nhưng vẫn muốn giành cho được phần từ người chị. Không những mất đi phần của mình, mà cô bé trong gia đình ấy đã không hề nhận được lời giải thích, động viên từ người mẹ. Đây có phải chỉ là trường hợp cá biệt trong mẫu chung của các gia đình hiện nay?

img_4953.jpeg

Ngày con cất tiếng khóc chào đời cũng là ngày cha mẹ rơi nước mắt vì hạnh phúc, bởi con chính là quả ngọt của tình yêu, là món quà kỳ diệu nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi gia đình. Nên không ngạc nhiên khi được hỏi về việc thương con nào nhất, cha mẹ thường nói rằng mình chia đều tình yêu cho các con. Vậy mà trong cách ứng xử thường ngày, nhiều cha mẹ lại không cho con mình thấy được điều đó. Giãi bày cho sự thiên vị này, cha mẹ thường vin vào nhiều lý do. Đó có thể là đứa con đầu lòng, đó là em nhỏ chưa biết gì. Cũng có trường hợp thương đứa con lanh lợi, giỏi giang hơn vì con khiến mình hãnh diện với người chung quanh... Nhưng lý do nào đi nữa thì chúng ta đang thương con không đồng đều và thương con bằng tình thương có điều kiện.

Trong quá trình trưởng thành của con, cha mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tất cả các con đều xứng đáng nhận được tình yêu và sự chăm sóc bình đẳng, bởi mỗi đứa trẻ đều có tính cách, sở thích, nhu cầu và cách thể hiện riêng. Các chuyên gia tâm lý trẻ em đều thừa nhận, đứa con bị đối xử thiếu công bằng sẽ sinh ra mặc cảm, ganh tị cũng như là ghét bỏ anh, chị, em của mình. Từ đó trẻ trở nên ương bướng, khó bảo. Còn đứa con được quan tâm hơn thường dễ sinh ra tính kiêu ngạo. Sự nuông chiều hay bảo bọc quá mức khiến “sức đề kháng” của trẻ kém dễ bị lôi kéo, sa ngã khi bước ra ngoài xã hội. Thậm chí, nếu việc thiên vị kéo dài có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa các con kéo dài cho đến khi những đứa trẻ trưởng thành.

Vì thế, cha mẹ đừng thiên vị mà hãy yêu thương công bằng vì tất cả đều là con của mình. Chỉ khi có những lý do đặc biệt phải có sự thiên lệch thì hãy giải thích cho đứa còn lại để con thấu hiểu anh, chị, em của chúng đang cần sự quan tâm và chăm sóc nhiều hơn vì những lý do cụ thể nào đó. Sự yêu thương, quan tâm sẽ là “liều thuốc chữa lành”, giúp con phát triển lành mạnh. Và khi mỗi đứa trẻ tin rằng mình được yêu thương thì chúng mới có thể yêu thương người khác.

THỤC ANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Công điện về ứng phó với bão YINXING gần biển Đông
BTO-Ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có công điện đến UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và một số bộ ngành liên quan về ứng phó với bão YINXING gần biển Đông.
Nổi bật
Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Bộ Chính trị xác định, việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương yêu con công bằng