Hướng đến thị trường bền vững
Nằm trong tác động chung của toàn cầu, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong đó có doanh nghiệp thủy sản. Dẫn chứng, trong những tháng qua, nhiều tàu cá phải dừng hoạt động. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu sản xuất. Trong đó phải kể đến nguyên do là ngư trường đánh bắt ngày càng khan hiếm, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp do tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi chi phí xăng dầu, trả công cho lao động biển cao, khiến nhiều chủ tàu bị thua lỗ, phải nằm bờ dài ngày, ảnh hưởng đến việc chi trả vốn ngân hàng.
Ảnh: Đ.Hòa |
Trải qua quãng thời gian đối phó với đại dịch, dễ nhận thấy những vấn đề kém bền vững của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Do đó, đây là dịp để doanh nghiệp trong tỉnh thay đổi định hướng, hướng đến thị trường bền vững hơn là những thị trường cũ. Mà theo như Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, doanh nghiệp thủy sản Bình Thuận có thể đáp ứng được.
Đó là đến nay sản phẩm thủy sản của tỉnh đã có mặt trên 71 quốc gia. Riêng chế biến nước mắm có 7 doanh nghiệp được chứng nhận HACCP, có 3 doanh nghiệp được cấp COD xuất khẩu. Đội tàu đánh bắt hải sản có hơn 6,7 ngàn tàu cá, với tổng công suất hơn 1 triệu CV. Trong đó, tàu cá công suất từ 90CV trở lên có hơn 3.000 chiếc, công suất bình quân tàu thuyền toàn tỉnh đạt trên 165 CV/chiếc. Các tàu được trang bị an toàn và ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, bảo quản sản phẩm, góp phần gia tăng năng lực và hiệu quả khai thác xa bờ. Riêng sản lượng khai thác hải sản bình quân đạt gần 220.000 tấn trong 2 năm qua. Phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư cơ giới hóa, hiện đại các trang thiết bị sản xuất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như đồ hộp, shusi, đa dạng hóa các sản phẩm khô...
Hướng tiêu thụ nội địa
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, thì các doanh nghiệp cần khai thác tối đa thị trường trong nước. Đồng thời, phải phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn đến từ bên ngoài.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Toàn tỉnh với đội tàu dịch vụ hậu cần xa bờ có 167 chiếc, được trang bị hệ thống cấp đông khá hiện đại. Qua đó, góp phần hỗ trợ tích cực cho ngư dân trên tuyến khơi và nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến. Trên 360 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản tươi, đông lạnh và 197 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm. Từ những tiềm lực đó, các chủ tàu nên liên kết chặt chẽ với các khâu dịch vụ nghề cá để bảo quản thủy sản đảm bảo chất lượng. Tổ chức liên kết vùng có lợi thế để tàu làm dịch vụ thủy sản nâng cao hiệu quả hoạt động và phục hồi tốt việc đánh bắt. Đầu tư cải tiến phương pháp bảo quản thủy sản trong quá trình đánh bắt để đảm bảo chất lượng.
Song song, thực hiện liên kết với doanh nghiệp và tư thương phân phối thủy sản với hợp đồng cung ứng sản phẩm có chất lượng, cùng chia sẻ lợi ích lâu dài. Mặt khác, thực hiện các hình thức hợp tác tương trợ trong quá trình ra khơi đánh bắt thủy sản để giảm thiểu rủi ro. Các chủ tàu nhanh chóng chuyển hướng sản phẩm sang phục vụ thị trường nội địa. Nghiên cứu nhu cầu thị trường để điều chỉnh cơ cấu các mặt hàng thủy sản phục vụ trong nước, trước hết là các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Tăng cường các mặt hàng tươi sống đảm bảo an toàn, tăng cường sơ chế và bảo quản sản phẩm phục vụ nội địa. Riêng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, chuyển đổi nhanh chóng sang chế biến sản phẩm phục vụ thị trường nội địa.
Doanh nghiệp thủy sản Bình Thuận, dù trong khó khăn, vẫn vươn mình!
KiỀu HẰng