Theo dõi trên

Thuyền thúng của dân nghèo

01/06/2018, 07:38

BT - Những chiếc thuyền thúng đan từ tre vốn gắn liền với vùng sông nước. Thời Pháp thuộc thực dân đánh thuế thuyền bè rất nặng, dân nghèo không nộp nổi nên bà con làm ra những chiếc thúng này để di chuyển trên vùng sông nước mà không phải nộp thuế (thúng chứ không phải thuyền).

Người vùng biển đã quen thuộc với hình ảnh những chiếc thúng dùng để trung chuyển từ bờ lên thuyền và ngược lại; những cuộc thi lắc thúng truyền thống trên sông, biển vào dịp tết cổ truyền. Thuyền thúng cũng ra khơi nhưng đó là theo nghề câu mực, mỗi thuyền lớn chở hàng chục thúng chai ra đến nơi thì thả xuống biển, mỗi thúng một ngư dân lênh đênh câu mực đến rạng sáng hôm sau thì thuyền chạy quanh một lượt vớt các thúng lên. Nhìn chung thuyền thúng chỉ là phương tiện để di chuyển và đánh bắt thô sơ gần bờ.

Nhưng mới đây trên Đài Truyền hình Việt Nam phát phóng sự phản ánh hiện tượng ngư dân Bình Thuận hoán cải thuyền thúng, lắp thêm động cơ để ra biển khai thác. Thuyền thúng được thay đổi công năng làm cho nó lớn hơn nhiều lần thúng truyền thống, gắn động cơ vào để đi biển. Vì cuộc sống và thu nhập, những chiếc thúng hoán cải này cứ ra xa bờ dần 10 - 20 hải lý. Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận: đã có hàng ngàn thuyền thúng hoán cải và ngày càng có nhiều ngư dân dùng thúng đi khai thác, bất chấp rủi ro đến tính mạng của mình.

Vì sao có hiện tượng “bất thường” này? Có người nói bà con phát triển thuyền thúng để "lách" quy định của Nhà nước về hạn chế và giải bản tàu cá nhỏ dưới 20 cv. Có người bảo là ngư dân ứng phó với tình hình giá xăng dầu liên tục tăng (chỉ 2 tuần vừa qua, xăng dầu đã 2 lần tăng giá-NV). Người khác lại cho rằng do chính quyền quản lý “lỏng”. Hiện theo phân cấp thì Chi cục Thủy sản quản tàu cá trên 20 cv, tàu cá nhỏ dưới 20 cv và thuyền thúng do địa phương quản lý. Nhưng các huyện-thị xã-TP còn lúng túng khi "đụng" đến tầng lớp ngư dân nghèo, có tâm lý chờ Luật Thủy sản 2017 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Trong khi ở vùng biển khi con cái lập gia đình (tách hộ), cha mẹ nghèo chỉ cho con cái thuyền thúng làm ăn kiếm sống. Hoặc 3 - 4 ngư dân nghèo góp vốn làm chung một thuyền thúng đi khai thác.

Ngoài lý do quản lý lúng túng, lướng vướng, “bỏ thì thương, vương thì tội” kể trên, thì sâu xa là do bà con ngư dân nghèo cũng “bí” trong chuyển đổi thuyền nghề, tìm sinh kế mới. Đó là thực trạng nghề cá Việt Nam chứ không riêng gì Bình Thuận. Ở TP. Đà Nẵng, chính quyền quyết tâm đến năm 2020 xóa sổ hàng ngàn tàu cá nhỏ dưới 20 cv và thuyền thúng hoạt động ven bờ nhưng không dễ thực hiện. Do mức hỗ trợ giải bản tàu cá nhỏ còn thấp, ngư dân không có vốn đầu tư tàu lớn vươn khơi; chuyển đổi nghề cũng rất khó do tầng lớp ngư dân nghèo thiếu trình độ học vấn - tay nghề, nếu bỏ biển lên bờ không biết làm gì để sống?

Chính quyền TP. Đà Nẵng thu mua tàu cá nhỏ dưới 20 cv (có đăng ký) từ 20 - 30 triệu đồng/chiếc, thuyền thúng gắn máy 10 -15 triệu đồng/chiếc, hỗ trợ lao động chuyển đổi nghề 10 triệu đồng/lao động. Nhưng ngư dân lo lắng: chính quyền mua lại tàu được vài chục triệu đồng cũng chỉ đủ gia đình chi tiêu vài tháng là hết, rồi biết làm gì để sống? Vì vậy rất ít ngư dân đăng ký.

Ở Bình Thuận, Chi cục Thủy sản ước tính có khoảng 1.700 - 1.800 tàu cá nhỏ dưới 20 cv (chưa tính thuyền thúng), tốc độ giải bản thuyền nhỏ được khoảng 100 - 200 chiếc mỗi năm. Để giải bản hết số tàu cá nhỏ và thuyền thúng ven bờ, mỗi năm ngân sách phải bỏ ra khoảng 5 tỷ đồng trong liên tục 15 năm.

Giải bản tàu cá nhỏ, thuyền thúng để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ (đã cạn kiệt), khuyến khích ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi khai thác kết hợp bảo vệ chủ quyền lãnh hải, là xu thế tất yếu của nghề cá Việt Nam. Cần có lộ trình thực hiện phù hợp, không nóng vội, lắng nghe nguyện vọng của dân, mà quan trọng nhất là bà con ngư dân nghèo phải có cuộc sống tốt hơn sau khi chuyển đổi nghề, chứ không bị bần cùng hóa.

K.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thuyền thúng của dân nghèo